Khó thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà ở Đà Nẵng
Theo quy định, rác thải của F0 điều trị tại nhà là chất thải lây nhiễm, độc hại phải được phân loại thu gom, xử lý riêng. Thế nhưng, việc thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà ở Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn.
Từ sau Tết Nhâm Dần, mỗi ngày, thành phố Đà Nẵng ghi nhận cả nghìn ca mắc Covid-19. Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tăng vọt, mỗi ngày xấp xỉ 2.000 ca. Hiện nay, hơn 93% số ca mắc Covid-19 được điều trị tại nhà. Theo quy định, rác thải của F0 điều trị tại nhà là chất thải lây nhiễm, độc hại phải được phân loại thu gom, xử lý riêng. Thế nhưng, việc thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà ở thành phố này đang gặp nhiều khó khăn.
4 người trong gia đình bà Nguyễn Thị Liễu, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng là F0 vừa hoàn thành điều trị tại nhà. Bà Liễu cho biết, gia đình cũng có ý thức phân loại rác thải sinh hoạt để riêng với rác thải độc hại để phòng lây nhiễm cho cộng đồng, nhưng không biết bỏ rác thải nguy hại lây nhiễm vào đâu nên đành bỏ chung với rác thải sinh hoạt hàng ngày.
“Ở phường không có ai hướng dẫn cũng không có ai tới thu gom rác, gia đình tự xử lý. Gia đình tự thu gom rác bỏ vào túi ni lông và mang xuống bỏ vào thùng rác công cộng, bỏ chung với rác sinh hoạt hàng ngày”- bà Liễu nói.
Theo quy định, các chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly F1, F0 quản lý điều trị tại nhà như: khẩu trang, dụng cụ bảo bảo hộ cá nhân, găng tay, kit xét nghiệm... đã qua sử dụng phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi. Bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.
Hiện nay, rác thải của hộ gia đình F0 đã không được thu gom mà bị bỏ lẫn với rác thông thường hàng ngày, rất nguy hiểm, dễ phát sinh nguồn lây. Một công nhân của Công ty Môi trường Đô thị thành phố Đà Nẵng cho biết, mỗi lần đi thu gom rác là nơm nớp lo sợ lây nhiễm. Rất nhiều băng, bông vệ sinh, khẩu trang, găng tay, có cả kit xét nghiệm đã qua sử dụng bỏ lẫn trong rác thải sinh hoạt được phát hiện khi đi thu gom.
“Có những người, họ ý thức, họ khai rõ là bị F0, họ bỏ rác vào bao rồi cột lại để thu gom riêng. Người ta cứ vứt ra ngoài thì không quản lý được”- công nhân Công ty Môi trường Đô thị TP Đà Nẵng chia sẻ.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thành phố Đà Nẵng ghi nhận cả nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày, gần đây số ca mắc Covid-19 tăng vọt, có ngày lên đến gần 2.000 ca. Lượng rác thải phát sinh cũng tăng lên. Từ tháng 12/2021, khi thành phố cho phép F0 điều trị tại nhà, trừ quận Cẩm Lệ, 6 quận, huyện còn lại đều hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị để thu gom xử lý rác thải của gia đình F0. Bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, mỗi ngày, công ty thu gom khoảng 2 tấn rác thải độc hại. Là nguồn rác thải phát sinh, nhưng đến nay các bên vẫn chưa thống nhất được đơn giá nên đơn vị phải tự ứng kinh phí để thu gom.
“Nếu thực hiện đúng quy trình thì y tế địa phương phải phát bao màu vàng cho hộ dân để họ bỏ rác vào bao vàng đó. Sau đó dân họ bỏ bao rác ra trước cổng thì mình đến thu gom. Ở địa phương, đôi khi nhiều F0 quá họ cũng để sót. Nhiều nhà bị F0 nhưng vài ba ngày sau bên y tế mới cập nhật thông tin”- bà Hoàng Thị Ngọc Hiếu cho biết.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng luôn lưu ý ngành y tế và các địa phương tăng cường quản lý F0 tại nhà và xử lý triệt để nguồn rác thải nguy hại của gia đình có F0; đồng thời, đề nghị người dân chủ động phân loại rác thải. Thực tế, nhiều gia đình có người mắc Covid-19 đã báo với y tế địa phương nhưng không được hướng dẫn cách thu gom, xử lý rác thải trong quá trình điều trị tại nhà.
“Tất cả rác thải đều xử lý theo quy trình của Bộ Y tế và Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Sở Y tế và Sở Tài nguyên và Môi trường đã có quy trình xử lý rác thải trong điều trị F0 tại nhà. Còn người dân tự test dương tính mà họ không khai báo thì mình không quản lý được"- ông Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết./.