Kho thuốc tây khủng rởm vừa bị triệt phá ở Hà Nội bán các loại 'thuốc' nào?
Kho thuốc tây vừa bị triệt phá gồm: Augmentin BID, Tetracyclin (thuốc kháng sinh), Alphachoay (thuốc kháng viêm), Diamicron MR (điều trị tiểu đường tuýp 2)...
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bác sỹ Nguyễn Duy Đông – Bệnh viện Đa khoa Hà Thành - cho biết: Đây là các loại thuốc tây rất phổ biến trên thị trường. Kháng sinh hiện là một trong những loại thuốc có giá trị lớn. Với giá bán ra thông thường từ 15 – 17.000 đồng/viên, trong khi lượng tiêu thụ lớn, vì số người mắc các loại bệnh viêm đường hô hấp ngày càng nhiều; nhiều nhà thuốc lại “vô tư” bán không cần đơn, thì lợi nhuận đương nhiên là rất lớn.
Như Báo Công Thương đã đưa tin, ngày 5/10, Đội Quản lý thị trường số 19 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - ma túy, Công an huyện Thạch Thất và Phòng y tế huyện Thạch Thất tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất tại địa chỉ thôn Cánh Chủ, xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội phát hiện cơ sở sản xuất thuốc trái phép, có dấu hiệu sản xuất hàng giả mạo là thuốc chữa bệnh.
Thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở có 2 công nhân đang trực tiếp tham gia sản xuất thuốc, công nhân đang chạy máy dập vỉ đóng thuốc Sabumol 2mg dạng vỉ loại 10 viên nén/vỉ và chạy máy nén viên và tủ sấy thuốc.
Kiểm tra về hàng hóa tại nơi sản xuất, đoàn kiểm tra phát hiện 90 kg bán thành phẩm dạng viên nén màu hồng và 2 loại thành phẩm là thuốc gồm: Thuốc Tetracyclin TW3 (250mg): 14 thùng (48 hộp/thùng, 400 viên/hộp). Trên nhãn ghi số lô sản xuất 0321, ngày sản xuất 07/07/2021, hạn dùng: 07/07/2024. Số hàng hóa trên có dấu hiệu giả mạo sản phẩm thuốc Tetracyclin TW3 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3; thuốc Sabumol 2mg: 4.330 vỉ (10 viên/vỉ).
Toàn bộ số hàng hóa trên chủ cơ sở không xuất trình được hồ sơ đăng ký thuốc.
Theo bác sỹ Đông, việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả thông thường đã là hành vi trái pháp luật, vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng khi đối tượng hàng hóa bị làm giả là thuốc chữa bệnh thì nó là vấn đề rất nghiêm trọng, vì ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí tính mạng của người sử dụng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp như thế này.
Số liệu thống kê cho thấy, thuốc giả ở nước ta hiện chiếm một tỷ lệ không lớn trên thị trường dược phẩm. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và kinh tế của người dân. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất không đủ hàm lượng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong.
Nguy hiểm hơn, có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, kim loại nặng khiến người bệnh dùng bị tai biến hoặc gây chết người.
Điều đáng nói, thuốc làm giả ngày càng tinh vi và tràn lan. PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - dẫn chứng vụ án thuốc ung thư giả của VN Pharma phải mất 5 - 6 năm cơ quan chức năng mới phanh phui được sự việc ra ánh sáng.
Việc sản xuất thuốc giả còn là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với việc phát triển ngành công nghiệp dược. Mấy năm nay, Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo tình trạng thuốc điều trị giả, tẩy date thuốc để bán, trục lợi khi nhu cầu thị trường tăng cao.
Thanh Tâm