Khó tìm lời giải cho nông hộ chăn nuôi giữa 'bài toán' giá lợn hơi lao dốc
Liệu giá lợn hơi vào các tháng cuối năm có bật tăng trở lại hay không vẫn còn là một ẩn số khi còn nhiều áp lực lên giá bán. Trong khi đó, việc tìm kiếm lời giải cho 'bài toán' giá lợn hơi sụt giảm sẽ còn nhiều dấu hỏi ở phía trước để kéo các nông hộ chăn nuôi tái đàn, nhất là khi giá thành chăn nuôi còn ở mức cao, chưa kiểm soát được dịch bệnh, thương lái trung gian hưởng hết phần lợi…
Ghi nhận giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam vào giữa tháng 10/2023 cho thấy, hiện đã lao dốc về mức 48.000 - 51.000 đồng/kg. Còn tại miền Bắc, giá lợn hơi mức 50.000-52.000 đồng một kg. Miền Trung và Tây nguyên, có nơi về 49.000 đồng/kg.
Nhiều áp lực lên giá bán
Liệu mức giá thấp như trên có bật tăng trở lại vào các tháng cuối năm hay không vẫn là một ẩn số khó nhằn. Nhưng, có thể thấy mức giá thấp như vậy, rất khó có thể đảo chiều trong tháng 10 này. Và do giá thấp dẫn đến thua lỗ kéo dài nên các hộ chăn nuôi cũng không mặn mà tái đàn để phục vụ cho mùa tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới.
Chưa kể, tình hình dịch bệnh vẫn là một thách thức lớn cho việc tái đàn. Như ở Đắk Lắk, trong thượng tuần tháng 10/2023 đã phải báo động đỏ về dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp và có dấu hiệu tăng nhanh. Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi là 1.071 con, khối lượng tiêu hủy là trên 44 tấn.
Do người chăn nuôi trên địa bàn Đắk Lắk chủ yếu nuôi theo hình thức nông hộ, nhỏ, lẻ nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao. Chính quyền địa phương đang khuyến cáo các hộ nuôi không tăng đàn, tái đàn lợn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn.
Còn ở “thủ phủ chăn nuôi” là tỉnh Đồng Nai, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi cũng tạm dừng tái đàn. Chưa kể, mới đây có thông tin phản ánh về đường dây thu gom heo bệnh, heo dịch tả châu Phi tuôn ra thị trường.
Điển hình như việc thu gom đàn lợn thịt trên 800 con đang nhiễm bệnh dịch tả châu Phi từ các tỉnh khác rồi đưa về trạm trung chuyển tại Đồng Nai. Ngoài ra, từ tháng 9/2023 đến nay ở tỉnh này có nhiều lô heo khi kiểm dịch đều có kết quả dương tính virus tả lợn châu Phi.
Có thể thấy, thời điểm này dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lợn bị nhiễm bệnh được thu gom tuôn ra thị trường, rồi việc nhiều hộ chăn nuôi lo sợ lây nhiễm đã đồng loạt bán ra, càng gây nhiều áp lực lên giá bán.
Điều đáng nói, giá lợn hơi giảm sâu nhưng giá thịt tại các chợ lẻ hiện tại vẫn không có nhiều thay đổi, tới tay người tiêu dùng vẫn không giảm. Nhiều ý kiến cho rằng thương lái trung gian đang thu hết phần lợi của cả người nông dân và người tiêu dùng, trong khi các hộ chăn nuôi rất vất vả nhưng lại thua lỗ vì giá xuất chuồng sụt giảm mạnh là điều đáng buồn.
Theo giới phân tích, giá lợn hơi sụt giảm như hiện nay có là vì nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn chưa được cải thiện nhiều, rồi lợn nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan và Campuchia đổ về Việt Nam khiến giá lợn hơi Việt Nam bị ảnh hưởng. Chưa kể, diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến lượng lợn chạy dịch được đẩy bán ra thị trường tăng.
Chưa đủ sức kéo hộ nuôi tái đàn
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn ở mức cao, dù cho từ đầu tháng 10/2023, nhiều doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi như C.P, De Heus, CJ Vina Agri, Công ty Uni President VN, GREENFEED… có thông báo giảm giá bán thức ăn chăn nuôi ở mức từ 100-200 đồng/kg. Đây cũng là đợt giảm giá bán thứ 5 trong năm 2023.
Đợt giảm giá lần thứ 5 này chưa đủ sức để kéo người chăn nuôi quay lại tái đàn phục vụ thị trường cuối năm. Nhiều hộ chăn nuôi cũng lo ngại một khi giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ đi về đâu, nhất là giá lợn hơi lúc này đang kéo giảm xuống tới ngang với mức giá thành thì sẽ mất thời gian khá lâu mới có thể quay đầu tăng trở lại ở mức có lãi cho họ.
Đối với giá thức ăn chăn nuôi, thực ra, từ cuối tháng 6/2023 đến nay, nhiều loại thức ăn chăn nuôi đã giảm giá, nhưng vẫn là kiểu nhỏ giọt, bình quân từ 300 – 400 đồng/kg/đợt, tổng mức giảm tính đến hiện tại khoảng 1.000 đồng/kg. Mức giảm này được cho là như “đánh đu” cho các hộ nuôi nếu tái đàn, khi mà chi phí thức ăn chiếm 65% giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Với giá lợn hơi xuất chuồng như hiện tại, theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi heo Đồng Nai, chi phí chăn nuôi khoảng 55.000 đồng/kg thì mỗi con heo xuất chuồng sẽ bị lỗ 300.000 - 500.000 đồng/con.
Mới đây, trong báo cáo ngành chăn nuôi lợn từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VCBS có cho rằng giá thịt lợn được kỳ vọng sẽ tăng mạnh hơn ở khoảng đầu năm 2024 nếu lạm phát hạ nhiệt và nhu cầu thịt heo được cải thiện rõ rệt hơn. Do Tết Nguyên Đán năm nay đến muộn, nên nhu cầu thịt lợn có khả năng sẽ tăng rõ rệt hơn ở tháng 1/2024.
Riêng đối với một số doanh nghiệp lớn trong mảng chăn nuôi lợn, phía VCBS nhận định biên lợi nhuận trong năm 2023 của họ có thể bị thu hẹp do giá thịt lợn giảm. Việc giá lợn hơi duy trì đà giảm sẽ khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ở mảng này bị thu hẹp khoảng 8% so với thời kỳ cao điểm năm 2021.
Thực ra, dù biên lợi nhuận có sụt giảm phần nào nhưng hoạt động của các doanh nghiệp chăn nuôi vẫn có những “cửa sáng” hơn rất nhiều so với mức độ phập phù của các nông hộ vì họ biết cách giảm giá thành chăn nuôi từ việc nhờ quy mô chăn nuôi lớn, có khả năng tự chủ nguồn giống, tự chủ thức ăn chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh tốt, duy trì mức tổng đàn hợp lý.
Chẳng hạn như CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam, cho tới thời điểm quý III/2023, đã hoàn thiện nhà máy cám Nghệ An. Tính ra công ty này sở hữu 3 nhà máy cám với tổng công suất 440 nghìn tấn/năm, đảm bảo cho chủ động được 100% nguồn thức ăn đầu vào cho hoạt động chăn nuôi. Và dự báo, tổng sản lượng lợn bán ra trong năm 2023 của BAF sẽ đạt khoảng 370.380 con, đem về doanh thu thuần và lợi nhuận gộp tương ứng là 2.787 tỷ và 268 tỷ đồng.
Còn với các nông hộ chăn nuôi, hiện chỉ chiếm khoảng 20 - 30% tổng đàn lợn của cả nước, trước nhiều vấn đề mà họ đang phải đối mặt như giá thành chăn nuôi còn ở mức cao, chưa kiểm soát được dịch bệnh, thương lái trung gian hưởng hết phần lợi…thì việc tìm kiếm lời giải trước “bài toán” giá lợn hơi sụt giảm sẽ còn nhiều dấu hỏi ở phía trước.