Khó tìm việc làm, nhiều ngành học vắng thí sinh

Sinh viên học ngành Điều dưỡng tại Trường cao đẳng Y tế Phú Yên thực hành. Ảnh: THÚY HẰNG

Mặc dù các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) được phép tuyển sinh nhiều đợt, song đến thời điểm này, công tác tuyển sinh năm 2020 xem như kết thúc vì không còn thí sinh đăng ký. Trong khi đó, nhiều ngành học tiếp tục vắng thí sinh.

Nhiều ngành học kém sức hút

Năm 2020 các trường ĐH, CĐ được sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh so với những năm trước đây. Tuy nhiên, bức tranh tuyển sinh của một số ngành nghề vẫn kém sức hút.

Năm nay, đến thời điểm này Trường CĐ Y tế Phú Yên tuyển chỉ được 100 sinh viên cao đẳng ngành Dược, Điều dưỡng; riêng ngành Hộ sinh có quá ít thí sinh tham gia xét tuyển nên không thể mở lớp.

Công tác tuyển sinh của Trường ĐH Phú Yên năm 2020 cũng không khởi sắc, vì số lượng thí sinh nhập học cũng rất ít chỉ hơn 200 sinh viên. Điều đáng nói là các ngành hot như Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non cũng tuyển chưa đạt chỉ tiêu. Hay như Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, dù tuyển sinh đạt hơn 70% so với chỉ tiêu được giao, nhưng nhà trường vẫn có một số ngành như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cấp thoát nước rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển.

Không riêng gì các trường trên địa bàn tỉnh, một số trường ĐH, CĐ lớn vẫn có một số ngành ít thí sinh đăng ký dự tuyển. Chẳng hạn tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có ba ngành học nhiều năm nay rất khó tuyển sinh, gồm: Địa chất học, Kỹ thuật địa chất và Hải dương học. Năm nay, ngành Địa chất học của trường này chỉ tuyển được 29 sinh viên so với 100 chỉ tiêu; ngành Hải dương học 24 sinh viên/50 chỉ tiêu. Hay như Trường ĐH Nha Trang vốn là trường thủy sản duy nhất của cả nước trước năm 2006 nên có năm ngành truyền thống, đặc thù về thủy sản. Nhưng giờ thì có đến ba ngành rất khó tuyển. TS Tô Văn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường, cho hay: Các ngành khai thác thủy sản, chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản mỗi năm chỉ tuyển được vài chục sinh viên. Tuy nhiên, trường vẫn phải duy trì đào tạo vì đây là những ngành thế mạnh kinh tế của tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận.

Tương tự, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng có một số ngành khó tuyển như Thiết kế thời trang (chất lượng cao), chỉ có một thí sinh trúng tuyển; các ngành Môi trường, Vật liệu, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông… nhiều năm nay cũng không tuyển được bao nhiêu người học. Hoặc Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, năm nay cũng phải ngừng tuyển sinh hai ngành Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu, vì lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển quá ít.

Khó khăn với các trường địa phương

Từ khi có quy định cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi trúng tuyển vào ĐH, CĐ đã giúp các em kịp thời lựa chọn ngành nghề lại một lần nữa. Điều này cho thấy, đầu vào hiện nay của các trường phụ thuộc vào sự lựa chọn của thí sinh.

TS Lê Thị Kim Loan, phụ trách Phòng Đào tạo Trường ĐH Phú Yên, chia sẻ: Nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, ngành sư phạm buộc phải bảo đảm tiêu chí học lực khi xét đầu vào. Việc quy định ngưỡng đầu vào cho ngành sư phạm là cần thiết, nhưng điều này khiến các trường sư phạm gặp tình trạng tuyển được ít sinh viên hơn. Nguyên nhân là do thời gian qua, học sinh khá, giỏi đã không còn mặn mà với ngành sư phạm nữa. “Chỉ khi nào tỉ lệ sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp có việc làm cao thì khi đó ngành sư phạm mới có thể thu hút thí sinh”, TS Lê Thị Kim Loan nói.

Trường CĐ Y tế Phú Yên cũng đang rơi vào tình thế khó khi mà thí sinh không còn “chuộng” học trình độ CĐ Dược, Điều dưỡng. Đã vậy công tác tuyển sinh của hai ngành học này lại có sự cạnh tranh rất lớn giữa các trường, bởi hầu như trường CĐ y tế nào cũng tuyển sinh hai ngành học chủ lực này. Đối với các trường đứng chân tại các thành phố lớn thì công tác tuyển sinh sẽ thuận lợi hơn, vì sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ dễ tìm được việc làm; ngược lại đối với các trường ở tỉnh, do kinh tế địa phương phát triển chưa tương xứng nên vấn đề đầu ra khiến người học không an tâm là điều không tránh khỏi.

Trong bối cảnh phải cạnh tranh nguồn tuyển ngày càng gay gắt giữa các trường ĐH, CĐ như hiện nay, nếu các trường không kiểm soát được hiệu quả đào tạo, đặc biệt là đảm bảo được việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp thì rất khó thu hút được người học. Xa hơn nữa là trong thời gian đến, các trường buộc phải thực hiện cơ chế tự chủ trong đào tạo, điều này được nhiều người cho rằng sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng hơn, song với những trường nào quản trị yếu kém và trông chờ bao cấp thì nguy cơ giải thể, sáp nhập sẽ rất lớn.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/249706/kho-tim-viec-lam-nhieu-nganh-hoc-vang-thi-sinh.html