Khó tin chuyện tù binh Liên Xô chạy trốn Đức Quốc xã bằng máy bay do mình đánh cắp
Đánh cắp máy bay ném bom từ một sân bay của Đức Quốc xã, phi công Mikhail Devyataev lúc đó không hình dung được việc này sẽ có ích cho khả năng phòng thủ của Liên Xô.
Ngày 29-4 năm nay, Nga ra mắt bộ phim về một trong những cuộc chạy trốn táo bạo nhất khỏi trại tập trung của phát-xít Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bộ phim “Devyataev” của đạo diễn nổi tiếng người Nga Timur Bekmambetov kể về câu chuyện khó tin của một phi công Liên Xô chạy trốn khỏi Đức Quốc xã bằng máy bay ném bom do chính mình cướp được.
Bị kết án tử hình
Thượng úy cận vệ Mikhail Petrovich Devyataev rơi vào tay quân phát-xít Đức ngày 13-7-1944. Tại khu vực Lvov ở miền Tây Ukraine, máy bay tiêm kích của ông bị bắn rơi. Khi ra khỏi máy bay, ông đã va vào rầm cánh và sống sót một cách kỳ diệu.
Phi công Devyataev đã từ chối hợp tác với quân phát-xít và tìm cách chạy trốn khỏi trại tù binh của Đức Quốc xã ở Ba Lan. Tuy nhiên, ý đồ của ông đã bị phát hiện, sau đó ông bị kết án tử hình và di lý đến trại tập trung Sachsenhausen để thi hành án.
Devyataev được một thợ cắt tóc trong trại giúp thoát khỏi cái chết hiện hữu. Trong lúc ông được cắt tóc, một tù nhân đang đứng chờ ở hành lang bắt đầu châm thuốc hút thì bị lính gác đánh chết. Ngay lập tức, người thợ cắt tóc giật lấy số hiệu của người chết, rồi gắn số hiệu của Devyataev lên thi thể người đó. Sau đó, xác của “Devyataev giả” được thiêu trong lò hỏa táng của trại tập trung, còn Devyataev thật thì hiện thân trong vai một cựu giáo viên có tên Grigory Nikitenko và bắt đầu cuộc sống trong trại Sachsenhausen.
Trên thao trường bí mật
Chẳng bao lâu sau, “Nikitenko” lại phải thay đổi nơi giam giữ. Ông được chuyển đến trại giam trên đảo Usedom thuộc vùng Baltic. Tại đây có một thao trường bí mật Peenemünde của Đức, nơi quân phát-xít đang nghiên cứu chế tạo loại “vũ khí kì diệu”, đó là những chiếc máy bay phản lực, tên lửa hành trình FAU và tên lửa đạn đạo FAU-2.
Devyataev với cơ thể khỏe mạnh đã được chọn để thực hiện những công việc trên thao trường như: khuân vác thiết bị và vật tư, vô hiệu hóa những quả bom chưa nổ do không quân các nước đồng minh ném xuống. Ông không bao giờ được phép tiếp cận sân bay và những chiếc phi cơ, nhưng không ai tỏ ra đề phòng “thầy giáo Nikitenko” cả.
Mikhail Devyataev một lần nữa quyết định chạy trốn và đã tìm thấy trong số những tù nhân làm việc trên thao trường Peenemünde có 9 người khác cũng có ý định tương tự. Tất cả đều thống nhất chạy trốn bằng đường không, và để thực hiện ý đồ này, họ đã chọn loại máy bay ném bom Heinkel He 111.
“Chúng tôi ra quyết định này vào đầu tháng 01-1945 và kể từ lúc đó chỉ gọi chiếc máy bay này là Heinkel thôi. Máy bay này từng phục vụ người Đức, họ luôn để tâm đến nó, nhưng lúc đó máy bay đã thuộc về chúng tôi, cho nên chúng tôi không rời mắt khỏi nó. Chúng tôi thường nghĩ và nói về nó, lưu tâm đến nó bằng tất cả hy vọng của mình. Trong trí tưởng tượng, bây giờ đây tôi đang khởi động đi khởi động lại động cơ máy bay, cất cánh và bay cao hơn tầng mây. Tôi vượt qua hành trình và hạ cánh về nhà trên máy bay cánh rộng thân dài mà mình chưa từng tiếp cận này”, Mikhail Devyataev kể lại trong cuốn hồi ký “Chuyến bay về phía mặt trời” của mình.
Chạy trốn
Trong cả nhóm chạy trốn, Devyataev là người duy nhất có liên quan đến hàng không. Ông đã vận dụng mọi khả năng để tiếp cận chiếc máy bay, nếu may mắn thì sẽ vào được bên trong và liếc nhìn bảng điều khiển của nó.
Ngày 8-2-1945, lúc trên thao trường đang giờ ăn trưa thì 10 tù binh lẻn vào chiếc máy bay Heinkel. Sau khi hạ gục tên lính gác, họ bắt đầu chuẩn bị cho máy bay cất cánh. Toàn bộ kế hoạch suýt chút nữa bị thất bại do thiếu bình ắc quy, nhưng họ đã nhanh chóng tìm thấy và cho vào máy bay.
“Sân bay dường như không để ý đến tiếng ồn của máy bay chúng tôi. Tôi dễ dàng trình bày khi đội ngũ kỹ thuật viên và phi công có thắc mắc. Họ vẫn tiếp tục ăn trưa như không có chuyện gì. Còn tôi thì không hề e ngại việc tăng hết tốc lực và thử chạy động cơ ở những tốc độ khác nhau. Tôi cảm thấy rất tự tin và thậm chí là rất thảnh thơi. Sẽ chẳng có ai ngăn cản chúng tôi khi chạy đà cất cánh. Máy bay lạ, bầu trời lạ, địa hình lạ, xin đừng phản bội chúng tôi - những người chịu đói và đau đớn, đang cố gắng thực hiện quyền thoát chết của mình. Xin hay giúp chúng tôi, và trong đời mình chúng tôi sẽ luôn nhớ đến bằng lời nói tốt đẹp. Phía trước chúng tôi là cả mạng sống, hôm nay chúng tôi được sinh ra lần thứ hai”, Devyataev nhớ lại.
Lần cất cánh đầu tiên thất bại hoàn toàn. Máy bay chạy đến cuối đường băng, nhưng không thể rời khỏi mặt đất và sau đó thì dừng lại. Devyataev cố thử lần hai, hướng máy bay theo chiều ngược lại và lướt ngang qua trước mặt đám lính Đức đang tụ tập với vẻ ngạc nhiên.
Cuối cùng, khi Devyataev cho máy bay cất cánh thành công, trên thao trường mới rú lên còi báo động. Đội lính pháo thủ cao xạ sẵn sàng khai hỏa, những chiếc tiêm kích bắt đầu cất cánh sau khi nhận lệnh bắn hạ máy bay Heinkel. Tuy nhiên, họ không biết truy đuổi theo hướng nào, do chiếc máy bay bị người Nga đánh cắp đã lẫn vào những đám mây.
Chỉ có một chiếc tiêm kích Focke-Wulf đuổi kịp, nhưng không thể bắn hạ Heinkel. Bởi lẽ, trên chiếc tiêm kích mới trước đó không lâu thực thi nhiệm vụ trở về đã không còn vũ khí mang theo.
Trở về nhà
Thông thạo những tấm bản đồ được tìm thấy trên máy bay, Mikhail Devyataev quyết định lái qua vùng biển hướng về Leningrad (nay là Saint Petersburg). Ngay khi tới không phận Liên Xô thì một chiếc tiêm kích Focke-Wulf tiến gần đến máy bay của ông. Tuy nhiên, phi công tiêm kích vẫn không hiểu tại sao chiếc Heinkel lại bay về phía đối phương ở độ cao thấp với càng máy bay được mở ra.
Chiếc tiêm kích bị lực lượng phòng không Liên Xô bắn xua đuổi. Lực lượng này cũng bắn vào chiếc máy bay chạy trốn. Bị bắn liên tục, Devyataev chỉ kịp hạ cánh xuống và ngay sau đó máy bay của ông bị bộ binh Liên Xô bao vây.
Mikhail Devyataev và hai sĩ quan khác tham gia cuộc chạy trốn hi hữu đã phải trải qua một thời gian trong trại thanh lọc của Liên Xô cho đến khi danh tính của họ được xác minh. Những tù nhân còn lại trốn thoát kỳ diệu khỏi trại trên đảo Usedom thì trở lại mặt trận, không lâu sau hầu hết đã hy sinh trong các trận chiến.
Với độ chính xác đến 10 mét, Devyataev đã chỉ ra tọa độ những dàn tên lửa đặt trên đảo Usedom. Những mục tiêu này ngay sau đó đã bị không kích dữ dội. Ngoài ra, chiếc máy bay ném bom Heinkel do ông đánh cắp được gắn thêm thiết bị bí mật để liên lạc, điều khiển và theo dõi những vụ phóng tên lửa FAU.
Ngay sau chiến tranh kết thúc, Devyataev có một thời gian giúp cha đẻ ngành hàng không vũ trụ Liên Xô, tổng công trình sư Sergey Korolev trong việc nghiên cứu tên lửa hành trình và đạn đạo của Đức, góp phần quan trọng vào việc Liên Xô chế tạo các loại tên lửa tiên tiến sau này. Năm 1957, theo đề xuất của nhà khoa học này, phi công Mikhail Petrovich Devyataev được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.