Khó triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo
Tại các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay, việc triển khai chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với bộ môn tiếng Anh theo Thông tư 50 đang gặp phải rất nhiều khó khăn.
Ngày 31-12-2020 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT về việc triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo. Chương trình xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, phát huy khả năng của trẻ đối với việc làm quen tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện; giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với môn tiếng Anh, đồng thời hướng đến hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học…
Ngày 31-3-2021, Thông tư chính thức có hiệu lực, mặc dù nhận được rất nhiều sự đồng tình của phụ huynh, tuy nhiên việc triển khai tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt đối với cơ sở mầm non công lập, khu vực miền núi, ven biển…
Trường mầm non Đông Anh, huyện Đông Sơn là một trong những đơn vị hiếm hoi của huyện đủ điều kiện triển khai Thông tư 50, cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh.
Theo đó, để thực hiện chương trình, các cơ sở giáo dục mầm non phải đảm bảo thực hiện một số điều kiện như giáo viên phải có bằng Cao đẳng sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Tiếng Anh trở lên và đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ sư phạm hoặc phương pháp cho trẻ làm quen với tiếng Anh do các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức; cơ sở vật chất giảng dạy có hệ thống đồ chơi, tranh ảnh trực quan, trang thiết bị nghe nhìn tối thiểu để hỗ trợ tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ làm quen với tiếng Anh…
Toàn tỉnh hiện có 684 trường mầm non (trong đó có 646 trường công lập, 38 trường tư thục), tuy nhiên số trường đủ điều kiện để thực hiện chương trình còn rất khiêm tốn. Hơn nữa, nếu thực hiện chương trình phải được Bộ GD&ĐT thẩm định đủ điều kiện mới được tổ chức. Trong khi đó hiện vẫn chưa có tài liệu, học liệu phục vụ chương trình cho trẻ làm quen tiếng Anh được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Thông tư.
Cô Chu Thị Khuyên, Hiệu trưởng trường mầm non Hoằng Đạo (huyện Hoằng Hóa) cho biết, phụ huynh rất quan tâm, mong muốn cho con em tiếp cận môn tiếng Anh ở bậc học mẫu giáo, tuy nhiên để triển khai chương trình này đối với nhà trường quả thực rất khó, bởi lẽ hiện trường đang thiếu phòng học, thiếu giáo viên hoặc giáo viên không được đào tạo đúng chuẩn theo Thông tư. Ngoài ra, trang thiết bị rất thiếu thốn, khó khăn.
Một số trường mầm non công lập trên địa bàn huyện Hoằng Hóa chưa thể triển khai Thông tư 50 do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên...
Cô Lê Thị Mùi, Hiệu trưởng Trường mầm non Đông Anh (huyện Đông Sơn) cho biết, nếu Sở GD&ĐT và Phòng Giáo dục huyện Đông Sơn đồng ý, nhà trường sẽ triển khai thực hiện Thông tư 50, đồng thời có thế đáp ứng các điều kiện đề ra như cơ sở vật chất, trang thiết bị nghe nhìn…
Tuy nhiên, những cơ sở giáo dục mầm non như thế hiện nay chưa nhiều.
Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 50 có quy định cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh là điều kiện tốt, nếu thực hiện giảng dạy trong trường giúp trẻ vừa học vừa chơi, không bị áp lực học tập, giúp các con có hứng thú, đam mê tiếp nhận tiếng Anh, làm tiền đề cho sự phát triển sau này.
Bà Lê Thu Lan, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay tại các trường mầm non về triển khai chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với Tiếng Anh là hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên không đáp ứng yêu cầu.
Các trường nếu thực hiện sẽ phải liên kết với các trung tâm tiếng Anh, phụ huynh phải đóng phí nên việc thực hiện sẽ rất khó khăn.
Hiện nay trên địa bàn Thanh Hóa chỉ có một bộ phận nhỏ cơ sở mầm non có điều kiện thuận lợi mới tiếp cận được với chương trình. Những khu vực này trước khi Thông tư 50 ban hành trẻ đã được tiếp cận với tiếng Anh.