Khó tuyển sinh, giải pháp nào cho các TTGDNN - GDTX ở miền núi

Nhiều năm nay, công tác tuyển sinh đang trở thành 'bài toán khó' đối với một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (TTGDNN - GDTX) huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Không có học sinh đến học, cơ sở vật chất được đầu tư hàng chục tỷ đồng bị bỏ không gây lãng phí, cán bộ, giáo viên trăn trở, nỗ lực nhưng 'lực bất tòng tâm'.

TTGDNN - GDTX huyện Quan Hóa nhiều năm nay vắng bóng học sinh.

Không có học sinh, thầy cô chuyển làm kinh tế

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi thì có 10 TTGDNN - GDTX, trong đó, có nhiều TTGDNN - GDTX đang phải hoạt động cầm chừng do không tuyển được học sinh. Các trung tâm đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong lĩnh vực tuyển sinh các lớp văn hóa, liên kết học nghề, có các chế độ hỗ trợ... nhưng vẫn chưa đủ sức thu hút học sinh đến đây học tập.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, năm học 2019-2020, một số TTGDNN - GDTX không tuyển được một học sinh nào, như các TTGDNN - GDTX huyện Mường Lát, Quan Sơn; hoặc tuyển được số lượng rất ít, như TTGDNN - GDTX huyện Quan Hóa (38 học sinh), Thường Xuân (40 học sinh).

Bà Lê Thị Định, Giám đốc TTGDNN - GDTX huyện Thường Xuân, cho biết: Từ tháng 9-2017, sau khi sáp nhập với trung tâm dạy nghề huyện, đổi tên thành TTGDNN - GDTX và sử dụng cơ sở của trung tâm dạy nghề tại đô thị Cửa Đặt, lượng học sinh học hệ GDTX giảm hẳn. Lý do là trung tâm ở xa, đường đi lại khó khăn, trong khi đó trên địa bàn lại có tới 3 trường THPT, hàng năm tuyển sinh gần 90% học sinh cuối cấp THCS trên địa bàn. Hơn nữa, học sinh học tại TTGDNN - GDTX cũng là học sinh người dân tộc thiểu số, con hộ nghèo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, khi học bổ túc THPT tại TTGDNN - GDTX lại không được hưởng chế độ hỗ trợ như ở các trường THPT công lập (theo Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, học sinh vùng đặc biệt khó khăn theo học tại các trường THPT được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương tối thiểu chung; hỗ trợ tiền nhà ở đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung). Vì vậy, hầu hết học sinh nếu không đậu THPT công lập, các em lựa chọn đi làm hoặc học tại các trường trung cấp nghề.

Cũng theo bà Lê Thị Định, trung tâm đã có những biện pháp để thu hút học sinh như: Có ký túc xá miễn phí cho học sinh ở lại, chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn... hàng năm, trước mùa tuyển sinh các thầy cô giáo đến tất cả các trường THCS trên địa bàn để làm công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh; sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, các thầy cô đến tận nhà các em học sinh không trúng tuyển để vận động, thuyết phục các em vào học tại TTGDNN - GDTX, tuy nhiên, kết quả vẫn rất hạn chế. Số học sinh ít, trung tâm phải mở thêm các mô hình làm kinh tế như: Nuôi ong mật, sản xuất nấm... để tạo công ăn việc làm và cũng giúp tăng thêm thu nhập cho giáo viên.

Cũng trong năm học này, TTGDNN - GDTX huyện Quan Sơn không tuyển sinh được học sinh nào. Không có học sinh để dạy, giáo viên xin chuyển đi nơi khác, có người thì được huyện điều động về các trường THCS còn thiếu giáo viên trên địa bàn. Hiện nay, TTGDNN - GDTX huyện Quan Sơn không còn giáo viên văn hóa, chỉ còn 3 giáo viên dạy nghề và 1 cán bộ quản lý. Để tránh lãng phí, hiện nay, 1 phần dãy phòng học của TTGDNN - GDTX huyện Quan Sơn đã được phân công cho trung tâm dịch vụ nông nghiệp của huyện sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc TTGDNN - GDTX huyện Quan Sơn trần tình: Tình trạng khó tuyển sinh tại trung tâm đã diễn ra nhiều năm nay. Dù các thầy cô giáo đã rất nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động học sinh, nhưng không có kết quả. Xu hướng học sinh trên địa bàn huyện Quan Sơn sau khi tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề ngày càng nhiều. Khi xác định học nghề, các em thường muốn lựa chọn các trường trung cấp nghề để học. Học ở các trường trung cấp nghề, học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn vẫn được hưởng các chính sách hỗ trợ trong khi đó, học tại TTGDNN - GDTX lại không được hưởng chính sách gì. Cũng từ bất cập này nên càng khó khăn cho TTGDNN - GDTX trong việc thu hút học sinh.

Chưa thực hiện tốt phân luồng học sinh?

Được sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng, những năm gần đây, nhiều TTGDNN - GDTX huyện miền núi được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Tuy nhiên, không tuyển được học sinh, trường lớp bỏ không gây lãng phí hàng chục tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Theo Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị về triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS, trong đó mục tiêu là phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Ngày 14-5-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều nơi trên địa bàn Thanh Hóa tỷ lệ học sinh vào các trường THPT công lập còn cao.

Ông Nguyễn Văn Huy cũng chia sẻ: Việc tuyển sinh vào TTGDNN - GDTX phụ thuộc nhiều vào phân luồng học sinh. Trên địa bàn huyện Quan Sơn có đến 2 trường THPT công lập, mấy năm gần đây, 2 trường này cũng không tuyển đủ chỉ tiêu do học sinh lựa chọn đi học nghề hoặc đi làm ngày càng nhiều. Trong khi đó, tại TTGDNN - GDTX, việc dạy nghề chỉ ở trình độ sơ cấp chưa đủ điều kiện để các em có thể hành nghề; cơ sở vật chất phục vụ học thực hành còn hạn chế... Trung tâm cũng có liên kết với các trường trung cấp nghề để dạy nghề và cấp bằng cho các em, nhưng so với học trực tiếp tại các trường trung cấp nghề các em vẫn được hưởng lợi hơn như: Điều kiện học tập tốt hơn, được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn.

Để khắc phục tình trạng trên, bà Lê Thị Định và ông Nguyễn Văn Huy đều cho rằng, cùng với nỗ lực của các thầy cô giáo tại trung tâm trong việc tiếp tục tăng cường vận động học sinh sau tốt nghiệp THCS, các cấp chính quyền cần phải thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phân luồng học sinh. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn học tại TTGDNN - GDTX. Có như vậy mới thu hút được các em học tại các trung tâm này, giúp công tác phân luồng học sinh ở các huyện vùng cao, biên giới đạt hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lương Đức Hạnh, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo và GDTX, Sở GD&ĐT, cho biết: GDTX cũng là phần quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất, giáo viên còn thiếu thốn, đặc biệt là giáo viên dạy nghề còn thiếu và yếu. Ở một số TTGDNN - GDTX huyện miền núi, cơ sở vật chất được đầu tư nhưng không sử dụng nhiều năm cũng đã bị hư hỏng, xuống cấp; chế độ, chính sách để phát triển GDTX chưa tương xứng với nhiệm vụ. Đặc biệt, hiện nay, tỷ lệ tuyển sinh vào THPT công lập còn cao (từ 80% đến hơn 80%). Để thu hút học sinh vào học tập ở đây, ngành chức năng cần đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, có cơ chế tuyển dụng giáo viên cho các TTGDNN - GDTX. Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đã có kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm ban hành quy chế hoạt động TTGDNN - GDTX; chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo tỷ lệ 30% học sinh sau tốt nghiệp lớp 9 vào học tại các TTGDNN - GDTX và các cơ sở đào tạo nghề.

Bài và ảnh: Hoàng Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/kho-tuyen-sinh-giai-phap-nao-cho-cac-ttgdnn-gdtx-o-mien-nui/116144.htm