Khổ vì giấy khai sinh sai sót

Giấy khai sinh (GKS) là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân rất quan trọng nên khi làm GKS cần phải cẩn thận để tránh sai sót, dẫn đến rắc rối trong các quan hệ dân sự sau này.

Khổ vì giấy khai sinh sai sót

Anh Nín kiến nghị về việc sai sót trong giấy khai sinh, đề nghị hướng dẫn cải chính.

Anh Nín kiến nghị về việc sai sót trong giấy khai sinh, đề nghị hướng dẫn cải chính.

Rắc rối

Pháp luật hiện hành quy định khi đăng ký hộ tịch, cán bộ tư pháp hộ tịch, cán bộ tư pháp của phòng tư pháp hoặc cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp phải tự mình ghi vào sổ hộ tịch và biểu mẫu hộ tịch; nội dung ghi phải chính xác, đầy đủ; chữ viết phải rõ ràng, đủ nét, không viết tắt, không tẩy xóa. Tuy nhiên, thực tế có nhiều sai sót dẫn đến rắc rối cho người dân khi giao dịch dân sự.

Điển hình như vụ việc của ông Nguyễn Văn Dương, một ngư dân ở phường Bình Hưng (TP.Phan Thiết) vừa đến UBND phường xin được cải chính GKS. Ông Dương cho biết: “Tôi chỉ biết mình sinh năm 1961, khi đi làm thẻ căn cước họ bảo tôi kê ngày, tháng nhưng giấy khai sinh lại không có thì làm sao tôi ghi. Nếu tôi tự điền ngày, tháng sinh vào hồ sơ thì lại không khớp với giấy khai sinh, lỡ có chuyện gì xảy ra lại bảo tôi khai man. Tôi nghĩ, trước đây khi cha mẹ đi đăng ký hộ tịch cho tôi thì cán bộ hộ tịch phải hỏi ngày, tháng sinh mà ghi vào, nhưng họ không làm vậy. Bây giờ cha mẹ tôi chết cả rồi, chỉ còn cách đi cải chính ghi đại khái ngày nào đó để hợp thức hóa giấy khai sinh”.

Khác với ông Dương, anh Nén sinh năm 1995, ở xã Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) lại bị sai họ. Thay vì K’Văn Nén thì trong GKS ghi Hoàng Văn Nén, trong khi đó các giấy tờ tùy thân khác như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu đều K’Văn Nén. Việc không khớp họ trong giấy tờ tùy thân đã khiến anh Nén không thể làm BHYT điều trị bệnh. Anh K’Văn Nín, anh trai của anh Nén cho biết: “Em trai tôi đang bị bệnh, vừa rồi gia đình tôi đi làm BHYT cho em để bớt chi phí khi nhập viện, nhưng giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân không khớp nhau nên không thể làm được”. Trước nỗi khổ, mới đây anh Nín trình bày tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, cán bộ xã, huyện đã hướng dẫn anh đi cải chính lại GKS. Không chỉ ông Dương, anh Nén, còn nhiều trường hợp khác, mỗi người có cái sai riêng trong GKS. Cái thì sai ngày, tháng, họ, tên; cái thì sai quê quán, chỗ ở của cha, mẹ người được khai sinh... Phổ biến nhất là sai dấu hỏi, ngã, có trường hợp người đi khai một đường, người ghi một nẻo.

Tránh sai sót

Tình trạng sai sót trong GKS thường xảy ra trước đây, người dân ít quan tâm chỉ biết đi đăng ký rồi mang về cất, khi nào cần đến thì sử dụng. Đơn cử, gần đây nhất liên quan đến làm thẻ căn cước công dân mới sử dụng và nhiều trường hợp phát hiện sai sót phải đi cải chính lại.

Trao đổi với ông Đặng Văn Đào – Trưởng Phòng Nghiệp vụ 2, Sở Tư pháp được biết, việc thiếu thông tin, sai sót trong GKS là khá nhiều. Chủ yếu là “lịch sử” để lại, có nghĩa là trước kia công tác hộ tịch chưa chặt chẽ, người dân đến khai báo như thế nào thì ghi vậy. Hiện nay, làm việc trên môi trường điện tử cần độ chính xác cao, nếu sai sót thì ứng dụng khai sinh điện tử sẽ báo lỗi ngay nên cán bộ hộ tịch ở các phường, xã hiện đang vất vả với việc cải chính GKS cũng như hỗ trợ người dân làm thẻ căn cước. Tuy vậy, để tránh sai sót cũng như thuận tiện cho những người làm công tác hộ tịch, người dân khi đi làm GKS cho con em, phải ý thức trong cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác thì làm GKS không bị sai sót.

Thủ tục cải chính hộ tịch: Người yêu cầu cải chính hộ tịch phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc cải chính hộ tịch.

Ninh Chinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/kho-vi-giay-khai-sinh-sai-sot-136440.html