Khổ vì hủ tục

Thế kỷ 21 rồi... Việc tổ chức cỗ bàn linh đình dịp cải táng, cúng giỗ cũng tốn kém quá. Rồi thì việc các gia đình dòng họ thi nhau mua đất xây mộ.

Biết ông Bảo mới đi sang cát cho người chị gái lấy chồng ở làng bên về, ông Nam tới hỏi thăm.

- Ông về rồi đấy hả, công việc của chị ấy xong xuôi rồi à?

Ông Bảo lúc này như tìm được người trút bầu tâm sự:

- Coi như đã xong. Nhưng trong lúc tiến hành công việc có nhiều vấn đề quá ông ạ.

- Ông mà nói vậy chắc hẳn đã có việc không thuận?

- Chuyện là ngày chị ấy ốm, con cháu có điều kiện lại có hiếu nên mua đủ sâm nhung quế phụ, các loại thuốc ngoại, thuốc ta đắt tiền để tẩm bổ và chữa bệnh. Lúc mất, mọi người bảo theo kinh nghiệm dân gian dùng nhiều loại thuốc quý, thuốc bổ sẽ rất khó sạch nên khuyên gia đình đưa đi hỏa táng. Nhưng vì bàn ra bàn vào, có ý kiến không đồng tình nên gia đình vẫn đem hung táng. Cũng sợ điều mọi người nói theo kinh nghiệm dân gian nên gia đình để tận 5 năm mới cải táng. Thế mà khi đưa lên thi hài vẫn chưa phân hủy hết. Không còn cách nào khác, gia đình đành phải gọi một cỗ quan tài mới rồi mang đi hỏa táng.

Ông Nam lắc đầu:

- Chết thật! Tất cả chỉ vì hủ tục mới ra cơ sự đó. Đâm ra vừa tốn kém vừa vất vả con cháu...

Ông Bảo gật đầu:

- Đúng vậy. Cũng may giờ trên địa bàn có lò hỏa táng nên mọi việc cũng được giải quyết nhanh gọn. Trước đây, việc xử lý các đám cải táng không sạch thế này đều mệt mỏi ông nhỉ.

- Vừa qua ở làng ta cũng có mấy trường hợp khi cải táng không sạch lại phải đưa đi hỏa táng đó. Tôi thấy ngày nay hình thức hỏa táng là văn minh, tiến bộ. Tiếc rằng, người dân vì nặng nề với các hủ tục nên vẫn chưa tích cực hưởng ứng mặc dù chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí.

- Việc cải táng đã gặp sự cố vậy, việc cỗ bàn cũng nhiều điều để nói lắm. Ai lại đám cải táng mà làm tới gần trăm mâm cỗ, mời khắp làng. Tôi có ý kiến thì gia đình bảo lệ làng xưa nay là vậy. Dịp cải táng nhà nào không mở rộng sẽ bị làng xóm chê cười. Chính quyền chỉ yêu cầu không được tổ chức ăn uống cỗ bàn ngày tang lễ chứ có hạn chế dịp sang áo đâu.

Ông Nam lắc đầu:

- Thế kỷ 21 rồi... Việc tổ chức cỗ bàn linh đình dịp cải táng, cúng giỗ cũng tốn kém quá. Rồi thì việc các gia đình dòng họ thi nhau mua đất xây mộ. Nhìn cánh đồng đâu đâu cũng thấy những nghĩa trang gia đình mà buồn quá. Nếu cứ tình trạng này, người chết sẽ chiếm hết đất của người sống mất. Mong sao chính quyền các cấp mạnh mẽ tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, đừng nặng nề mà mạnh dạn loại bỏ các hủ tục trong ma chay.

NGỌC HÙNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/kho-vi-hu-tuc-234475