Khổ vì sống gần mỏ đá
Hạ tầng giao thông xuống cấp, ô nhiễm bụi, tiếng ồn, đối mặt với nguy cơ mất an toàn giao thông... là hàng loạt những hệ lụy mà người dân sống gần các mỏ đá phải gánh chịu.
Tuyến đường từ hai mỏ đá Trì Bình và Bình Nguyên (Bình Sơn) đi Quốc Lộ 1 lúc nào cũng rơi vào cảnh bụi mịt mù do xe chở đá chạy trên đường gây ra.
Một khu vực, nhưng có đến hai mỏ đá cùng hoạt động, nên tuyến đường giao thông liên huyện, đoạn ngã ba thôn Thế Lợi đi mỏ đá Gò Bè vốn đã xuống cấp, giờ lại bị xe vận chuyển đá làm cho hư hỏng nặng hơn, tạo thành ổ gà, ổ voi dày đặc trên đường.
Theo Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong Nguyễn Hải Kiên: “Tình trạng xe chở đá gây bụi, tiếng ồn và làm xuống cấp hạ tầng giao thông thôn Thế Lợi đã kéo dài nhiều năm nay. Mặc dù UBND huyện, xã đã nhiều lần chỉ đạo khắc phục, nhưng các doanh nghiệp vẫn chây ỳ, chỉ thực hiện rải đá cấp phối tại các đoạn hư hỏng, nên sau vài ngày, đường sá trở lại như cũ”.
Không chỉ riêng người dân thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong phải chịu nhiều thiệt thòi khi sống cạnh hai mỏ khai thác đá, mà người dân sống tại thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi chỉ trong phạm vi chưa đầy 2km mà có đến hai mỏ đá cùng hoạt động đó là mỏ đá Trì Bình và mỏ đá Bình Nguyên.
Tại hai mỏ đá này, hằng ngày, tuyến đường từ Trì Bình (Bình Nguyên) đi Quốc lộ 1 lúc nào cũng tấp nập xe tải ra vào. Quá trình vận chuyển làm phát sinh lượng bụi rất lớn, nhưng doanh nghiệp lại không duy trì thường xuyên việc tưới, rửa đường, giảm thiểu bụi bẩn, khiến người dân gặp nhiều khó khăn, bất tiện khi lưu thông.
“Mỗi lần xe tải chạy ngang qua, là đường lại tung bụi mịt mù. Nếu đi qua đoạn đường này mà gặp lúc xe chở đá chạy ngang qua, thì phải dừng xe lại chờ cho bụi tan đi rồi mới tiếp tục đi”, anh Nguyễn Anh Tuấn, ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn) ngán ngẩm cho biết.
Trước thực trạng trên, Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải cho biết, mặc dù Luật Khoáng sản có quy định các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.
Tuy nhiên, quy định này còn mang tính chung chung, cũng không có cơ chế, chế tài ràng buộc, nên các ngành chức năng chưa có căn cứ, để can thiệp, xử lý và yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện nghĩa vụ nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật...
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/201707/kho-vi-song-gan-mo-da-2825817/