Khổ vui đều là Dukkha
GN
- HỎI: Xin quý Báo hoan hỷ giải thích giúp tôi về một số vấn đề sau đây: Ngữ nghĩa gốc của Khổ (Dukkha) mà Đức Phật đề cập trong Tứ Thánh đế là gì? Có giống với quan niệm khổ của thế gian không? Nên hiểu về Khổ như thế nào để không vướng kẹt vào sự bi quan, yếm thế?
(CHƠN QUÂN, dinhhoangdung...@gmail.com)
Nhờ nhận chân sự thật Dukkha, chúng ta có cơ hội điều chỉnh các quan niệm sống, thiết lập các giá trị sống theo hướng sẻ chia, vị tha, lạc quan, nhập thế...
ĐÁP:
Bạn Chơn Quân thân mến!
Khổ đế, chân lý đầu tiên chính là Dukkha - một danh từ khó có thể chuyển ngữ chính xác sang bất cứ ngôn ngữ nào - mà ta tạm gọi là đau khổ hay phiền não. Chữ Khổ trong tiếng Hán-Việt chỉ diễn tả được một khía cạnh của Dukkha mà thôi.
Xin lược ý về Dukkha, theo sách Đức Phật và Phật pháp (Narada Maha Thera, Phạm Kim Khánh dịch Việt), như sau:
- Dukkha, đứng về phương diện cảm giác, là cái gì làm cho ta khó chịu đựng (Du là khó, Kha là chịu đựng).
- Dukkha, nếu xem như một chân lý trừu tượng, (Du) hàm ý là khinh miệt và (Kha) là trống rỗng. Thế gian nằm trong đau khổ, và như vậy là đáng khinh miệt, không đáng cho ta bám níu. Thế gian là một ảo ảnh, không có chi chắc thật. Do đó thế gian là trống rỗng, hư vô. Vậy Dukkha là sự hư vô, trống rỗng đáng khinh miệt.
- Dukkha là không thể có hạnh phúc thật sự, hoàn toàn bền vững trong một thế giới huyễn ảo, tạm bợ và vô thường. Không thể có hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu trong một thế gian luôn luôn biến đổi. Hạnh phúc vật chất chỉ là thỏa mãn một vài ước vọng. Dục vọng không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn. Không bao giờ ta cho là đủ.
- Dukkha là mọi người đều phải trải qua giai đoạn sinh, và do nơi sự sinh, có già, bệnh, và cuối cùng là chết. Không ai tránh khỏi bốn sự đau khổ lớn của kiếp người.
- Dukkha là khổ vì không như ý. Một ước vọng không được toại nguyện làm cho ta đau khổ. Chúng ta không muốn sống chung với người không ưa thích mà cũng không muốn xa lìa người thân yêu. Những điều thiết tha mong mỏi không phải lúc nào cũng được thành tựu. Trái lại, những hoàn cảnh nghịch lòng lắm lúc xảy đến một cách đột ngột, làm cho ta vô cùng khốn khổ…
- Dukkha bao hàm cả vui vẻ và hạnh phúc thế gian. Đối với người đời, thọ hưởng dục lạc là hạnh phúc. Chắc chắn rằng có hạnh phúc nhất thời trong khi mơ ước, lúc thọ hưởng, và khi hồi nhớ lại những khoái lạc vật chất tương tợ, nhưng hạnh phúc ấy quả thật là huyễn ảo và tạm bợ. Theo Đức Phật, không luyến ái (viragata) tức vượt lên trên mọi dục lạc, mới là hạnh phúc cao thượng hơn.
Như vậy, Khổ theo nghĩa thế gian là khổ đau chỉ là một phần nghĩa của Dukkha. Vì thế, khi nói về Khổ đế (Dukkha, chân lý đầu tiên của Tứ Thánh đế) mà chỉ thuyết minh về đau khổ thì chưa đủ. Dukkha có nghĩa tất cả đều biến dịch trong vô thường, bất toàn, sinh diệt, khổ đau, không như ý, huyễn ảo và tạm bợ…, bao hàm cả khổ vui.
Dukkha là sự thật của thân tâm và thế giới này. Phải dựa trên sự phân tích tỉ mỉ, sự quan sát tường tận, minh sát lâu dài mới dẫn đến nhận thức đúng đắn về sự thật Dukkha. Đây là tuệ giác, thấy rõ sự thật như nó đang là, và không hề có bi quan, yếm thế hay tiêu cực gì ở đây cả.
Dukkha là sự thật khách quan. Nhận thức đúng về sự thật khách quan là khoa học, là tuệ giác lớn. Trong trường hợp không thấy được sự thật do si mê tăm tối hay cố tình tránh né không dám đối diện thực tiễn phũ phàng, hoặc tự huyễn chính mình lấy khổ làm vui… thì mới là vô minh.
Liễu tri (hiểu biết hoàn toàn) về Dukkha là bậc Thánh. Hiểu biết nhiều phần về Dukkha là minh triết, là người hiểu biết. Nhờ nhận chân sự thật Dukkha (vô thường, bất toàn, sinh diệt, khổ đau, không như ý, huyễn ảo và tạm bợ… của kiếp người) nên chúng ta có cơ hội điều chỉnh các quan niệm sống, thiết lập các giá trị sống theo hướng sẻ chia, vị tha, lạc quan, nhập thế, tích cực tức hướng về chân thiện mỹ. Cao xa hơn, khi nhận chân được Dukkha (Khổ đế) cùng với các nguyên của nó (Tập đế) thì có thể đi theo Thánh đạo tám ngành (Đạo đế) để chấm dứt toàn bộ khổ đau sinh tử (Diệt đế).
Chúc bạn tinh tấn!
Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ
(tuvangiacngo@yahoo.com)
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//tuvantamlinh/2020/09/13/1f509a/