Khó xác định hành vi nháy mắt, nhìn gợi tình là quấy rối tình dục

Khó xác định hành vi nháy mắt, nhìn gợi tình là quấy rối tình dục Chuyên gia cho rằng, rất khó để xác định việc quấy rối tình dục nơi công sở, nhất là với hành vi lời nói thoáng qua, hay cử chỉ như nháy mắt, nhìn gợi tình...

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa hoàn thiện Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Theo Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhìn gợi tình, nháy mắt, dùng cử chỉ ngón tay... được coi là quấy rối phi lời nói.

Tuy nhiên, Bộ quy tắc này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia.

Nhìn gợi tình, nháy mắt, dùng cử chỉ ngón tay... được coi là quấy rối phi lời nói (Ảnh minh họa)

Nhìn gợi tình, nháy mắt, dùng cử chỉ ngón tay... được coi là quấy rối phi lời nói (Ảnh minh họa)

Ông Trịnh Hòa Bình - Nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, rất khó để xác định việc quấy rối tình dục nơi công sở, nhất là với hành vi lời nói thoáng qua, hay cử chỉ như nháy mắt, nhìn gợi tình...

"Tôi cho rằng không cần tới bộ quy tắc ứng xử quấy rối tình dục nơi làm việc những công nhân, lao động, cán bộ công nhân, viên chức vẫn thực hiện tốt điều này. Quan trọng nhất là mỗi thành viên cần thực hiện tốt, chuẩn mực các nguyên tắc ứng xử nơi công cộng, nơi làm việc vì trong nội quy nơi làm việc cũng có đề cập tới các vấn đề này", ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, rất khó để có thể làm rõ các khái niệm, định nghĩa, hành vi (nhất là hành vi kiểu nháy mắt) để quy kết liệu nó có phải là quấy rối tình dục hay không.

Đó là chưa kể, ngoài mặt có thể người tiếp nhận không thể hiện là không đồng thuận, nhưng trong lòng thì không thấy thoải mái vui vẻ về các hành vi này. Nhiều trường hợp nạn nhân bị quấy rối là cấp dưới và việc thể hiện "không đồng thuận" là rất khó.

Ông Trịnh Hòa Bình cho rằng rất khó để có thể làm rõ khái niệm, hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc (Ảnh:TL)

Ông Trịnh Hòa Bình cho rằng rất khó để có thể làm rõ khái niệm, hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc (Ảnh:TL)

Mặt khác Nguyên Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội cho biết: "Ban hành thì dễ nhưng thực hiện thế nào cho đúng, chuẩn mực thì rất khó. Đó là chưa kể tới việc nếu không đưa ra được cái tiêu chí đánh giá, giám sát, báo cáo cụ thể thì có thể nó sẽ là kênh để chính các lao động tố nhau khi không vừa lòng một ai đó".

Ngược lại với quan điểm của ông Bình, bà Hoàng Tú Anh - Trưởng Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam (GBVNET) - Phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho rằng vẫn nên ban hành bộ tiêu chí phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

"Các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục rất đa dạng, rất dễ bị nhìn nhận không đúng. Nhiều khi chính nạn nhân cũng không nhận ra được rằng, chính họ cũng đang bị quấy rối. Có những hành vi bị coi là bình thường, nghĩ là đùa cợt cho nên theo tôi cần có những quy định cụ thể thay vì các quy tắc ứng xử ở nơi làm việc", bà Hoàng Tú Anh nói.

Bà Hoàng Tú Anh cho rằng nên ban hành bộ tiêu chí phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Ảnh: TL)

Bà Hoàng Tú Anh cho rằng nên ban hành bộ tiêu chí phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Ảnh: TL)

Theo bà Hoàng Tú Anh, việc ban hành bộ quy tắc là cần thiết, nhưng việc thực hiện và xem xét chế tài báo cáo vụ việc cũng cần thiết không kém. Nhiều nạn nhân ngại không muốn báo cáo bởi vì gặp rào cản. Ví dụ nhiều nạn nhân bị xâm hại thì việc báo cáo vụ việc dễ dàng hơn bởi vì câu chuyện có vẻ nặng nề hơn, dễ có bằng chứng để tố cáo, nhưng những trường hợp quấy rối đôi khi rất khó. Có nạn nhân bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc báo cáo còn bị đồng nghiệp khác cười dè bỉu kiểu "Ôi đụng có tí mà cũng phải làm ầm lên".

"Chính bởi vậy, câu chuyện quấy rối là câu chuyện rất khó báo cáo, bằng chứng không phải lúc nào cũng dễ thu thập được", bà Tú Anh nói.

Cũng theo Phó giám đốc CCIHP, ngoài khó khăn nêu trên thì việc báo cáo còn gặp phải nhiều rào cản bởi vì, thường những người quấy rối thường có chức vị cao hơn, còn nạn nhân có vị trí thấp hơn. Một nguyên tắc ứng xử bình thường trong công sở bình thường mọi người sẽ nói rằng: "Có vấn đề gì báo cáo lên cấp trên", vậy thì nếu cấp trên cũng là người quấy rối thì báo cáo thế nào, báo cáo cho ai? Rõ ràng quy trình không áp dụng được, cần phải có cơ chế báo cáo khác thay vì cơ chế báo cáo thông thường.

Ngoài những vấn đề ở trên, bà Tú Anh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất chính là cơ chế hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân bị tổn thương bởi quấy rối tình dục nơi công sở. Những tổn thương có thể rất lâu dài, vì thế cần có những hỗ trợ thay vì chỉ dừng ở việc kỷ luật, xử lý vụ việc.

Kim Ngân

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/kho-xac-dinh-hanh-vi-nhay-mat-nhin-goi-tinh-la-quay-roi-tinh-duc-d181966.html