Khó xử khi mẹ vợ luôn coi con rể là 'kho thóc' để bòn rút

Mẹ vợ hay vay tiền đã đành, đằng này, nhiều lúc, bà còn rất sĩ diện khiến tôi vô cùng khó xử.

Tôi lấy vợ đến nay cũng gần 6 năm, có 2 cậu con trai. Vợ tôi là người hiền lành, chịu khó và sống biết điều. Cô ấy giờ làm quản lý cho công ty của gia đình tôi.

Trước khi lấy vợ, tôi đã chung với một người bạn mở công ty chuyên về vận chuyển. Thời ấy, công ty cũng có bước phát triển nhưng còn chậm.

Sau khi lấy vợ, tôi quyết định tách ra làm riêng. Tôi đầu tư thời gian nghiên cứu thị trường và đưa ra những chiến lược phát triển cụ thể. Nhờ đó, chỉ sau vài năm, công ty của tôi từ một đơn vị nhỏ chuyên vận chuyển đồ, giờ đã có chỗ đứng trên thị trường.

Công việc làm ăn thuận lợi cũng giúp vợ chồng tôi có nhà, có xe và kinh tế cũng dư dả hơn. Nhưng cũng chính vì có mác "đại gia" nên tôi cũng khá khó xử khi liên tục bị mẹ vợ coi là "kho thóc" để bòn rút.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nói về mẹ vợ tôi, bà năm nay gần 60, tuy sống ở quê nhưng lại khá sành điệu và có mức chi tiêu chẳng khác nào người ở thành thị. Trước đây, mỗi lần về quê, vợ chồng tôi hay biếu ông bà vài triệu để thêm thắt trong sinh hoạt hàng ngày.

Nhưng càng về sau, không cần đợi chúng tôi biếu, mẹ vợ chủ động "gợi ý" cần sắm cái này, cần mua cái kia nhưng không đủ tiền. Biết ý nên tôi cũng chủ động chuyển khoản cho bà.

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, có lúc mẹ vợ còn gọi điện hỏi vay trực tiếp tôi số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Khi ấy, tôi chỉ hỏi nhẹ nhàng bà cần số tiền lớn thế làm gì thì bà quay sang giận tôi. Nói tôi giám đốc cả một công ty mà mẹ vợ vay có mấy chục triệu cũng kêu nhiều. Vậy là tôi lại đành chuyển cho bà.

Mẹ vợ hay vay tiền đã đành, đằng này, nhiều lúc, bà còn rất sĩ diện khiến tôi vô cùng khó xử. Mỗi lần vợ chồng tôi về quê, ở trước mặt các cô, các bác họ hàng bên ngoại, mẹ vợ luôn "tâng bốc" tôi hơi quá. Bà nói tôi tài giỏi, làm giám đốc, kiếm nhiều tiền, con gái bà có phúc mới lấy được tôi.

Rồi những ai trong họ khó khăn, cần giúp đỡ, mẹ vợ lại xui họ đến nhờ tôi. Chính vì mẹ vợ hay "rào trước" với mọi người như vậy nên tôi rất khó lòng từ chối.

Có lần quê vợ tu sửa lại đình làng, mẹ vợ tôi lại gọi điện ra giục vợ chồng tôi mau mau về công đức. Đặc biệt, bà còn nhấn mạnh phải công đức tươm tất, càng nhiều càng tốt để mọi người có ấn tượng. Vì những ai công đức sẽ được đọc tên trên loa phát thanh của thôn. Đây là dịp "có một không hai" để khẳng định tên tuổi.

Nói thật, việc công đức vào đình, chùa tôi không bao giờ tiếc, nhưng công đức theo kiểu lấy danh, công đức cho oai theo kiểu của mẹ vợ tôi thì tôi cảm thấy không thoải mái. Nó mất đi cái tâm công đức của mình.

Một lần khác, Hội phụ nữ của mẹ vợ tôi thành lập câu lạc bộ dân vũ của xóm, bà cũng gợi ý tôi ủng hộ vài triệu để động viên tinh thần các bà các mẹ. Việc này sẽ khiến bà được nở mày nở mặt với bà con hàng xóm.

Lần ấy, tôi cảm thấy rất không thoải mái nhưng vẫn miễn cưỡng chi tiền vì mẹ vợ đã khoe như chuyện đã rồi. Khi ấy mà không làm theo ý bà, chẳng khác nào không giữ thể diện cho mẹ vợ.

Vợ chồng tôi cũng phải vất vả đi làm, sống tiết kiệm mới có được chút thành quả như ngày hôm nay. Nhưng chúng tôi cũng còn rất nhiều việc phải lo. Đâu phải là dư tiền để ném qua cửa sổ mãi được.

Phụng dưỡng, báo hiếu bố mẹ, hoặc chi vào những việc chính đáng, tôi không bao giờ tiếc. Còn những khoản chi không tên, chi vì sĩ diện của người khác thì tôi cảm thấy rất bức xúc. Tôi có nên bàn bạc với vợ góp ý với mẹ để giảm bớt tình trạng này hay không? Chúng tôi phải nói như thế nào để không khiến bà phật lòng và không đẩy mọi chuyện phức tạp hơn?

Phan Tiệp

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/kho-xu-khi-me-vo-luon-coi-con-re-la-kho-thoc-de-bon-rut-172230329155544232.htm