Khó xử khi tặng quà mùa lễ

Quên mua quà, quà tặng sai ý hay người nhận từ chối là những vấn đề nan giải bạn có thể gặp phải mỗi dịp lễ Tết cận kề.

 Bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi mọi lo âu quà cáp mùa lễ hội bằng cách lập kế hoạch cẩn thận. Ảnh: Amina Filkins/Pexels.

Bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi mọi lo âu quà cáp mùa lễ hội bằng cách lập kế hoạch cẩn thận. Ảnh: Amina Filkins/Pexels.

Bạn bối rối không biết phải tặng gì cho gia đình và bạn bè thân thiết. Bên cạnh đó, bạn còn lo lắng thái quá về thái độ của mình khi nhận quà của người khác.

Theo Elaine Swann, nhà sáng lập của The Swann School of Protocol, tặng quà liên quan đến sở thích hay cuộc sống thường nhật của đối phương là giải pháp nhanh chóng và hữu hiệu giúp bạn gỡ rối những lo âu quà cáp thường thấy.

Tuy nhiên, mẹo trên không phải chìa khóa vạn năng. Với những vấn đề phức tạp, bạn cần cách xử lý tinh tế hơn. Dưới đây, Real Simple tổng hợp ý kiến từ nhiều chuyên gia giúp bạn có được hướng giải quyết hiệu quả nhất khi rơi vào tình huống xấu hổ về quà cáp.

Bạn bỏ nhiều công sức cho món quà nhưng người nhận vẫn có thể ngó lơ. Ảnh: Antoni Shkraba/Pexels.

Bạn bỏ nhiều công sức cho món quà nhưng người nhận vẫn có thể ngó lơ. Ảnh: Antoni Shkraba/Pexels.

Quà tặng không được "trọng dụng"

Nhiều người chia sẻ rằng họ không bao giờ thấy người thân hay bạn bè của họ sử dụng những món đồ được tặng. Điều này khiến họ rơi vào lo lắng rằng mình đã lựa sai quà hoặc đối phương không thích đồ vật đó.

Chúng ta cảm thấy vui vẻ hơn khi người nhận bày tỏ sự yêu thích rõ rệt và thường xuyên sử dụng món quà mình tặng.Tuy nhiên, bạn nên nhớ tặng quà cũng được xem là một cử chỉ hào phóng.

Vì vậy, bạn không cần quá nặng lòng nếu không thấy món quà của mình được ưu ái, Catherine Newman, chuyên gia về nghi thức xã giao cho hay.

Dẫu vậy, bạn vẫn nên cân nhắc tiếp cận những phương thức tặng quà mới mẻ hơn.

Bạn có thể săn tìm thẻ quà tặng hay thẻ giảm giá tại những cửa hàng đối phương hay ghé. Tặng tiền nhưng kèm theo ghi chú tinh tế như: “Thoải mái sử dụng vào điều bạn luôn mong mỏi thực hiện nhé!” là một mẹo hay ho khác.

Bên cạnh đó, bạn có thể quan sát và thăm dò xem họ quyết định mua gì để lấy ý tưởng cho những lần tặng quà tiếp theo.

Lời cảm ơn chân thành có thể dịu bầu không khí lúng túng khi bạn quên chuẩn bị quà tặng lại đối phương. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Lời cảm ơn chân thành có thể dịu bầu không khí lúng túng khi bạn quên chuẩn bị quà tặng lại đối phương. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

"Tay không" nhận quà

Bạn rơi vào lúng túng khi bất ngờ nhận được quà từ một người mà không có gì để tặng lại họ.

Bạn khoan hãy hoảng loạn và liên tục hồi đáp đối phương bằng vô số lời xin lỗi và giải thích. Chạy đi mua quà phút chót để bù đắp cũng không phải là một cách ứng xử khôn ngoan.

Thay vào đó, bạn có thể lịch sự và thành tâm nói lời cảm ơn. Dù khó xử, khoảnh khắc này thực tế trôi nhanh hơn bạn nghĩ.

Để tránh rơi vào tình huống tương tự trong tương lai, bạn hãy rút kinh nghiệm và lên kế hoạch trước vào các dịp đặc biệt.

Mua trước một số quà tặng hữu ích và tiện dụng với bất kỳ đối tượng nào sẽ giúp bạn xử lý được những tình huống bất ngờ một cách suôn sẻ.

Thêm vào đó, bạn đừng quên đính kèm thiệp cảm ơn được viết cẩn thận và chân thành. Hành động này vừa tạo ấn tượng tốt vừa cho người nhận thấy được bạn là một người tinh tế và sâu sắc, Swann bày tỏ.

Để tránh làm đôi bên xấu hổ, bạn hãy xuôi theo mong muốn tặng quà của đối phương. Ảnh: Shvets Produciton/Pexels.

Để tránh làm đôi bên xấu hổ, bạn hãy xuôi theo mong muốn tặng quà của đối phương. Ảnh: Shvets Produciton/Pexels.

Đối phương yêu cầu không quà cáp

Mong muốn này của bạn bè hay người thân dễ khiến bạn rơi vào bối rối. Song, bạn tốt nhất vẫn nên thuận theo ý muốn của họ.

“Thông thường, việc đi tay không đến bất kỳ bữa tiệc nào cũng bị đánh giá là thiếu tinh tế, thậm chí thô lỗ.

Tuy nhiên, chuyện sẽ càng trở nên khó xử hơn cho mọi người khi có ai đó xuất hiện với một món quà nổi bật và mắc tiền hơn hẳn”, Julie Rottenberg, chuyên gia về ứng xử, chia sẻ.

Nếu thật sự không thể chịu được việc không tặng quà, bạn vẫn có thể “ăn gian” với những món quà nhỏ.

Bạn hãy ưu tiên chọn đồ ăn được như bánh kẹo hay rượu vang. Chúng dùng được ngay trong buổi gặp mặt nên sẽ giảm bớt sự lúng túng khi trao nhận món quà.

 Giá tiền của món quà thực chất không quan trọng bằng tâm ý của người tặng. Ảnh: Cup of couple/Pexels.

Giá tiền của món quà thực chất không quan trọng bằng tâm ý của người tặng. Ảnh: Cup of couple/Pexels.

Quà tặng chênh lệch giá trị

Dù ở là người tặng hay người nhận những món quà giá trị cao, bạn vẫn có thể cảm thấy hơi “chạnh lòng”.

Bạn nên nhớ rằng thực tế chẳng có tiêu chuẩn chắc chắn nào cho quà cáp. Chúng chỉ thật sự trở nên giá trị khi xuất phát từ sự hào phóng và không ràng buộc giữa đôi bên.

Nếu mãi không thể thoát khỏi suy nghĩ về khác biệt này, bạn hãy thành thật trao đổi với đối phương.

Bạn có thể bày tỏ như sau: “Mình trân trọng thành ý của bạn, nhưng mình mong là bạn sẽ không tặng những món đồ đắt tiền như thế này nữa. Mình buồn lòng khi không thể đáp lại bạn quà tặng tương ứng”.

Newman bổ sung rằng đối phương có thể sẽ không ngừng tặng quà, nhưng ít nhất bạn đã bày tỏ được suy nghĩ của mình với họ. Bên cạnh đó, bạn hãy cân nhắc đề ra giới hạn ngân sách về quà cáp để cả hai đều cảm thấy thoải mái trong trao nhận.

Suy cho cùng, tâm ý đằng sau mỗi món quà mới là điều quan trọng. Người bạn thân thiết của bạn cũng không mong đợi nhận quà tặng khiến bạn rơi vào nợ nần. Thay vào đó, bạn chỉ cần ghi nhớ sở thích hay kỷ niệm của cả hai để tìm được đồ dùng vừa túi tiền.

Bạn hãy ưu tiên đầu tư quà cáp cho những người bạn thật sự gần gũi và yêu quý nhất. Ảnh: Rodnae Productions/Pexels.

Bạn hãy ưu tiên đầu tư quà cáp cho những người bạn thật sự gần gũi và yêu quý nhất. Ảnh: Rodnae Productions/Pexels.

Đối tượng nào nên tặng quà và tặng gì cho hợp lý?

Không quá khó để bạn tìm được món quà phù hợp cho gia đình và bạn bè thân thiết.

Tuy nhiên, những đối tượng như đồng nghiệp, hàng xóm hay dì giúp việc làm bạn rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Trước tiên, bạn nên chọn lọc những ai sẽ nhận được quà và giá trị mỗi món quà cho mỗi đối tượng. Swann khuyên mỗi người nên xem việc tặng quà dịp lễ Tết như bóc một quả hành.

Lớp trong cùng là những người quan trọng và nhận những món quà chu đáo và giá trị nhất. Trong khi đó, lớp ngoài cùng sẽ là những người xã giao bình thường và nhận những món quà nhỏ hơn.

Để giúp việc chọn lựa quà cáp dễ dàng hơn, bạn có thể tham khảo hướng dẫn chọn quà dịp lễ qua những trang web uy tín. Có hàng loạt đề xuất hay ho cho bạn chọn từ “10 món quà dành cho đồng nghiệp” cho đến “100 đồ vật hữu ích tặng mẹ vợ”.

Lưu ý: Tiền mặt thường là món quà hữu ích cho những ai làm ngành dịch vụ. Tuy nhiên, với những ai gần gũi hơn như bảo mẫu hoặc trợ lý, bạn có thể trau chuốt quà tặng hơn như đồ ăn ngon hoặc một chiếc túi đẹp.

 Quà cáp không phải yếu tố quan trọng hàng đầu mỗi dịp lễ Tết. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Quà cáp không phải yếu tố quan trọng hàng đầu mỗi dịp lễ Tết. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Không hứng thú nhận cũng như tặng quà

Bạn lẫn những người bạn yêu quý có thể không cần thêm quà tặng vào mùa lễ cận kề.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải tỏ ra khó chịu và tuyên bố ngừng hẳn việc trao nhận quà cáp.

Michelle Slatalla, chuyên gia về phép tắc xã giao chỉ ra rằng từ chối quà tặng vào các dịp đặc biệt không phải là một hành vi tinh tế.

Dù quyết liệt như thế nào, vẫn sẽ có người lảng tránh ý định này, tiêu biểu là bố mẹ của bạn.

Thay vì từ bỏ hoàn toàn, bạn có thể trao đổi với đối phương những gì đôi bên thật sự cần và sẽ sử dụng.

Ngoài ra, cả hai có thể tặng nhau những thứ phi vật chất như dạy học cho nhau, dắt người kia đi chơi hay đơn giản là nấu một bữa ăn thật ngon.

Tóm lại, bạn đừng quên rằng mục đích chủ yếu của những ngày lễ không phải để tiêu tiền tặng quà mà là sum họp và dành thời gian ý nghĩa bên những người bạn yêu quý.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kho-xu-khi-tang-qua-mua-le-post1376168.html