Khó xử lý hình sự 'anh hùng bàn phím'
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện không ít 'anh hùng bàn phím', đó là những người có lối sống ảo tưởng, đưa ra những chỉ trích, phát ngôn bừa bãi, bịa đặt thông tin... bất chấp hậu quả ra sao. Song, để xử lý hình sự những đối tượng này không hề dễ dàng.
Hơn 2 năm qua, vụ án “Chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình” đã xét xử phúc thẩm vào ngày 19/6/2019. Cuối cùng, những bị cáo trong vụ án cũng đã hiểu ra vấn đề và thấm nhuần tính nhân văn của pháp luật. Nhưng trước đó, những tranh luận, những làn sóng phản đối trong giới y học cũng như trên mạng xã hội là rất lớn. Trong đó, không ít cán bộ, nhân viên ngành y vì cái tâm của người thầy thuốc cũng như những bức xúc nghề nghiệp đã vô tình trở thành những “anh hùng bàn phím” tự lúc nào không biết.
Trong suốt 2 năm điều tra, xét xử vụ án, hàng trăm thông tin được giới y học Việt Nam cập nhật, hàng nghìn dòng trạng thái (status) được các bác sĩ viết lên mạng xã hội thể hiện ý kiến riêng của mình. Nếu chỉ dừng lại như vậy thì đó chỉ là vấn đề quan điểm, thể hiện sự quan tâm của các cá nhân. Nhưng không ít người quá “nhiệt tình” khi không chỉ nêu quan điểm mà còn kèm vào đó là những chỉ trích trực tiếp lãnh đạo Bộ Y tế chậm chạp, thiếu sự quan tâm đến cán bộ, công nhân viên ngành y, không kịp thời giải oan cho một bác sĩ tốt, có tài... Không chỉ dừng lại ở đó, một số cá nhân còn lên tiếng kêu gọi tụ tập hàng trăm bác sĩ với mục đích là đến tòa án gây áp lực...
Gần đây nhất là vụ việc một Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tử vong đột ngột. Trong khi cơ quan điều tra đang nỗ lực để đưa ra kết luận sớm nhất thì hàng trăm nghìn thông tin bịa đặt đã được tung lên mạng xã hội gây hoang mang cho cộng đồng xã hội. Không những thế, nhiều người còn tỏ vẻ bí hiểm, phán định “như đúng rồi” về một “âm mưu” to lớn...
Qua những vụ việc trên cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến các cá nhân bức xúc, mượn mạng xã hội làm nơi “xả” giận. Nhưng khi cảm xúc đi quá xa sẽ dễ dàng dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, mỗi công dân cần cảnh giác, kiểm soát bản thân, nếu không sẽ dễ dàng phạm tội lúc nào không biết. Đặc biệt, những dòng trạng thái, những đoạn “còm” (comment - bình luận) cho bõ tức có thể trở thành tác nhân gây hoang mang trong cộng đồng.
Luật sư Vũ Thị Thanh Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định: Việc tung tin thất thiệt, kiểu càng giật gân càng tốt, gây hoang mang cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung tin đồn, hậu quả của việc tung tin tác động đến xã hội như thế nào... pháp luật có hình thức xử lý tương ứng.
Theo luật sư Nga, Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu phải đính chính, xin lỗi công khai hoặc bồi thường thiệt hại. Hoặc Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến danh dự, uy tín của cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường...
Những trường hợp nghiêm trọng, tùy vào từng trường hợp cụ thể, người tung tin đồn có thể bị truy cứu hình sự về tội “Vu khống” tại Điều 122 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 3 tháng đến 7 năm tù; tội “Sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính” tại Điều 226 Bộ luật Hình sự bị phạt từ 6 tháng đến 5 năm tù. Riêng Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Trong đó, tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là một trong những tình tiết cấu thành tội gây rối trật tự công cộng. Thế nhưng, trong thực tiễn, việc nhận thức thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” còn có nhiều quan điểm khác nhau.
Theo ông Đặng Khắc Thắng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” là mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra, là hậu quả phi vật chất.
Tiểu mục 5.1 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao quy định: “Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội”.
Như vậy, theo quy định tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP, tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đã được hướng dẫn, nó có tính chất, mức độ như “hậu quả nghiêm trọng” hay nói cách khác “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” chính là “gây hậu quả nghiêm trọng”.
Có thể thấy rằng, hành vi “gây rối” trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết về pháp luật, đã đến lúc các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý những cá nhân ôm mộng trở thành “anh hùng bàn phím” nếu tiếp tục hoặc cố tình tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng tới tình hình trật tự, an toàn xã hội.
Rất tiếc, cho đến nay chưa có một “anh hùng bàn phím” nào bị xử lý hình sự do tung tin thất thiệt hay vu khống người khác.
Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/kho-xu-ly-hinh-su-anh-hung-ban-phim-556395.html