Khoa học chứng minh phong bì là loại giấy dễ khiến chúng ta bị thương nhất

Và đó là toàn bộ khoa học đằng sau vết cắt của giấy.

Một trong số những bài học đau đớn nhất, một thứ có thể gọi là kinh nghiệm "xương máu" theo đúng nghĩa, mà tất cả chúng ta đều từng phải trải qua để lớn lên trong cuộc đời: Đó là vết cắt của giấy.

Ở một độ tuổi nào đó, chúng ta sẽ nhận ra không chỉ có có dao, ngay cả một tờ giấy cũng có thể cứa đứt tay người. Và thậm chí, vết cứa của giấy còn đau hơn cả vết dao cắt.

Hãy nhớ lại lần gần đây nhất bạn bị giấy cứa là bao giờ? Khi bạn vừa lấy giấy ra khỏi máy in ở công ty? Khi bạn lật mở một trang báo? Hoặc khi bạn vuốt mép của một chiếc phong bì?

Đâu là vết thương gây ra cho bạn cơn đau rát kéo dài nhất?

Tại sao vết cắt của giấy không chảy máu nhưng lại đau hơn dao cứa?

Tại sao vết cắt của giấy không chảy máu nhưng lại đau hơn dao cứa?

Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Physical Review E số tháng 8, các nhà khoa học đã tìm được câu trả lời. Họ đã làm một loạt các thí nghiệm để tìm ra những loại giấy dễ dàng cứa đứt tay chúng ta nhất, tạo ra vết thương đau đớn nhất và lâu lành nhất.

Vậy đó là những loại giấy nào?

Nghiên cứu được thực hiện bởi các kỹ sư đến từ Đại học Kỹ thuật Đan Mạch. Trong đó, họ đã sử dụng những mô hình ngón tay được làm bằng một loại geltatin đặc biệt mô phỏng mô da thịt của con người.

Loại vật liệu này vốn được làm hình nộm trong các nghiên cứu vũ khí, đặc biệt là thử nghiệm độ sát thương của đầu đạn. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học Đan Mạch muốn cho nó đối đầu với một thứ vũ khí cổ xưa hơn: mép giấy.

Lần lượt các loại giấy từ giấy ăn, giấy báo, giấy in, giấy sách, giấy bìa, giấy ảnh… đã được đưa vào thử nghiệm. Các nhà khoa học cắt chúng ta thành những "lưỡi dao" như dao dọc giấy, sau đó cứa qua ngón tay geltatin ở các góc độ khác nhau.

Kết quả cho thấy giấy có độ dày 65 micromet và góc gần 20 độ sẽ có nhiều khả năng gây đứt tay nhất. Càng gần "điểm cắt ngọt ngào" này, các loại giấy càng có nguy cơ gây đứt tay cao.

Điểm gây ra vết cắt ngọt nhất của giấy.

Điểm gây ra vết cắt ngọt nhất của giấy.

Đối chiếu với kết quả đó, giấy ăn (thường dày dưới 50 micromet) thì quá mỏng để đủ cứng và cứa đứt tay người. Trong khi đó, giấy bìa và giấy ảnh (thường dày trên 200 micromet) thì quá dày để tạo ra mép đủ sắc.

Các loại giấy dễ cứa đứt tay người nhất nằm trong khoảng từ 100 micromet xuống đến 65 micromet lần lượt là: giấy sách, giấy in A4, giấy báo và đặc biệt, có một loại giấy gần "điểm ngọt ngào" nhất là giấy dập fax đục lỗ.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết loại giấy fax này thuộc về các loại máy thế hệ cũ và hiếm khi còn được sử dụng.

Mặc dù vậy, có một vật dụng mỏng tương đương với giấy dập fax vẫn đang được sử dụng phổ biến ngày nay, đó là phong bì. Những chiếc phong bì được làm từ giấy có trọng lượng trung bình 60 gsm (gram/ m2) thường có độ dày từ 80 xuống dến 75 micromet, mỏng hơn giấy in A4 thông thường và gần "điểm cắt ngọt ngào" nhất.

Hãy cẩn thận khi liếm hoặc vuốt mép phong bì để dán chúng.

Điều này giải thích tại sao các tai nạn liên quan đến phong bì lại phổ biến đến vậy, và chúng ta phải đặc biệt cẩn thận khi liếm hoặc vuốt mép phong bì để dán chúng.

Nhưng có một tin tốt, một khi chiếc phong bì đã được niêm phong, độ dày bên ngoài của chúng đã tăng lên gấp đôi, vượt qua khỏi ngoài điểm ngọt ngào.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học cho biết điều đó không có nghĩa là mép ngoài chiếc phong bì hay các loại giấy có độ dày tương đương như giấy nhớ, giấy bìa không thể làm đứt tay bạn. Chỉ là nguy cơ của chúng sẽ giảm xuống mà thôi.

Tại sao vết cắt của giấy lại đau hơn dao cứa?

Để hiểu được điều đó, bạn phải phóng to mép của một tờ giấy lên ít nhất 100 lần. Khi đó, bạn sẽ biết mép của một tờ giấy thực ra không nhẵn nhụi như bạn tưởng. Nó là một tập hợp của hàng nghìn lưỡi cưa nhọn tua tủa đang vươn ra ngoài bề mặt giấy.

Vết cắt từ những lưỡi cưa giấy này rất thô, chứ không ngọt như một lưỡi dao là thứ đầu tiên khiến bạn thấy đau hơn dao cứa.

Giấy càng kém chất lượng, chẳng hạn như loại dùng để làm phong bì, được gia công càng kém thì càng để lại nhiều lưỡi cưa khiến bạn bị cắt đau hơn. Đây cũng là loại giấy dễ có hóa chất tồn dư sau xử lý. Các hóa chất này có thể "xát muối" vào vết thương của bạn, khiến bạn thấy xót hơn cả dao cứa.

Mép của một tờ giấy dưới kính hiển vi phóng đại 100X.

Mép của một tờ giấy dưới kính hiển vi phóng đại 100X.

Nguyên nhân thứ hai khiến vết cắt từ giấy đau hơn dao cứa, đó là giấy thường biết chọn vị trí để cắt vào da bạn. Đầu ngón tay, môi, lưỡi và má là những vị trí hay bị giấy cắt nhất. Đó đều là nơi tập trung rất nhiều đầu dây thần kinh cảm giác.

Mật độ dây thần kinh ở những địa điểm này cao gấp nhiều lần các vị trí khác ví dụ như cánh tay, chân hoặc lưng. Bởi đó là những cơ quan yêu cầu xúc giác hoạt động mạnh nhất.

Vết giấy cắt ở đầu ngón tay sẽ cắt qua nhiều dây thần kinh hơn. Những dây thần kinh này gửi một tín hiệu đau có độ phân giải rất cao về não bộ của bạn. Lẽ đương nhiên, não bộ của bạn sẽ xử lý chúng kỹ càng hơn. "Độ phân giải cao" lúc này quả thật là một điều không may.

Cũng liên quan đến vị trí, đầu ngón tay cũng là nơi thường xuyên phải hoạt động. Trong lúc bạn làm việc, miệng vết thương do giấy cứa có thể bị xê dịch, khiến bạn cảm thấy đau trở lại.

Nhưng điều tinh tế nhất của một vết cắt do giấy lại nằm ở độ sâu của nó. Một mép giấy đủ sắc để cắt qua da bạn, nhưng cũng đủ cùn để không khiến bạn chảy máu. Nó là điều kiện hoàn hảo để phơi hai đầu bó dây thần kinh bị đứt của bạn ngoài không khí.

Bởi máu không chảy được xuống vết cắt, nó sẽ không bao được miệng vết thương rồi đông lại để bảo vệ cho vết thương đó. Vết thương lúc này sẽ liên tục bị hở, nó kích thích những đầu dây thần kinh tiếp xúc với không khí hoặc nước bọt trong miệng, gửi tín đau về não một cách dồn dập và khiến bạn cảm thấy xót kinh khủng khiếp.

Một mép giấy đủ sắc để cắt qua da bạn, nhưng cũng đủ cùn để không khiến bạn chảy máu.

Một mép giấy đủ sắc để cắt qua da bạn, nhưng cũng đủ cùn để không khiến bạn chảy máu.

Ngoài các hiệu ứng vật lý, những vết giấy cắt có thể khiến bạn khó chịu hơn vì phản ứng tâm lý. Đa phần điều đó xảy ra như một tai nạn, nó sẽ khiến bạn khó chịu kêu trời: "Tại sao điều này lúc nào cũng diễn ra với tôi vậy?"

Việc khắt khe với bản thân cũng làm khiến bạn tức giận hơn: "Tại sao mình cứ tự làm tổn thương mình?". Hoặc cảm giác lo lắng tiếp tục bị giấy cắt cũng khiến bạn không thoải mái. Hãy nghĩ về trường hợp bạn còn phải dán vài chục cái phong bì trong khi vừa bị giấy cắt vào lưỡi.

Bài học mà bạn có thể rút ra ở đây là gì?

Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Đan Mạch đã sử dụng phát hiện của mình để chế tạo ra một loại dao giá rẻ, dùng một lần và thân thiện với môi trường. Họ sử dụng một mô hình in 3D để tạo ra cán dao, sau đó gắn những băng giấy dày 65 micromet vào lưỡi dao đó.

Kết quả, một công cụ mà nhóm nghiên cứu gọi là Papermachete đã ra đời. Thử nghiệm với con dao dùng một lần này, các nhà khoa học nhận thấy nó có thể cắt táo, chuối, dưa chuột, ớt chuông, cây cỏ nhện và thậm chí cả thịt gà.

Một con dao có lưỡi giấy có thể cắt ngọt thịt gà.

Một con dao có lưỡi giấy có thể cắt ngọt thịt gà.

Trong trường hợp không có một băng giấy dày đúng 65 micromet, bạn cũng có thể thay thế lưỡi của con dao này bằng giấy phong bì, hoặc giấy báo và giấy A4. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với những lưỡi dao này. Bởi một lần nữa, chúng có thể cắt dưa chuột thì cũng có thể làm đứt tay bạn.

Hãy lưu lại kinh nghiệm này để truyền lại cho con bạn, chúng cần được biết bài học về mép của những tờ giấy. Rằng giấy không vô hại như mắt thường nhìn thấy. Mọi tờ giấy dưới kính hiển vi đều lởm chởm như lưỡi cưa. Và có những loại giấy dễ làm đứt tay hơn các loại giấy khác, điển hình là phong bì.

Cuối cùng, nếu vẫn bị giấy cứa đứt tay thì lời khuyên dành cho bạn là gì? Vì đã phân tích đầy đủ nguyên nhân gây ra cảm giác đau rát người khi bị giấy cắt ở phía trên, chúng ta sẽ có một số bước để đối phó với vết giấy cắt.

Đầu tiên, lời khuyên vẫn là bạn phải rửa vết cắt ngay khi có thể với xà phòng và nước. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và giúp vết thương mau lành hơn.

Sau đó, bạn cần ngăn không cho các đầu dây thần kinh của mình bị hở ra và tiếp xúc với không khí, bằng cách bôi một chút thuốc mỡ vào đó. Cuối cùng, hãy dán vết thương lại bằng urgo, nhằm hạn chế xê dịch miệng vết thương và giữ vết thương sạch sẽ.

Và đó là toàn bộ khoa học đằng sau những vết cắt của giấy.

Nguồn: Phys, Sciencenews, Aps

Thanh Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khoa-hoc-chung-minh-phong-bi-la-loai-giay-de-khien-chung-ta-bi-thuong-nhat-20240831165240502.htm