Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới

Sáng 13-1, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển KHCN, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến 15.345 điểm cầu, với 978.532 đại biểu tham dự ở các đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương, ban cán sự đảng các bộ, ngành, đơn vị, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương… Hội nghị cũng được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Tại điểm cầu Diên Hồng - Nhà Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có: Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành trung ương.

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Trường Chính trị tỉnh có: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; các Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị.

Yếu tố quyết định đến sự phát triển của quốc gia

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vừng đất nước. KHCN thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị

Số liệu thống kê cụ thể cho thấy, nước ta có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với gần 900 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN. Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia; Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.

Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%; công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Trường Chính trị tỉnh

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Trường Chính trị tỉnh

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Tốc độ và sự bứt phá về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia vẫn còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực, trình độ KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia còn khoảng cách so với các nước phát triển.

Xác định Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là yếu tố quyết định phát triển của quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nghị quyết nhấn mạnh, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Nghị quyết cũng nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…

Nghị quyết cũng yêu cầu tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Nghị quyết 57 không thay thế các nghị quyết trước đây mà tạo đột phá về tư duy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận rủi ro, có thắng, có thua. Do đó, để nghị quyết đi vào cuộc sống, cần sớm hoàn thiện thể chế pháp lý càng sớm càng tốt, sớm tháo gỡ những rào cản về thể chế, khuyến khích đổi mới tư duy dám nghĩ dám làm nhằm giải phóng tối đa sức sáng tạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng lưu ý, hoàn thiện thể chế phải đi đôi với tăng cường giám sát đối với đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ; bảo đảm tính an toàn thông tin; đồng thời, có giải pháp thu hút nhân tài công nghệ, bố trí ngân sách phục vụ cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải xứng tầm, tạo đột phá đưa đất nước phát triển bền vững…

Tại hội nghị, Bộ Chính trị đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Bình Phước phấn đấu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng KHCN và chuyển đổi số

Liên quan đến phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, từ năm 2020, tỉnh Bình Phước đã triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) nhằm hỗ trợ giám sát, ra quyết định, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập trung tâm IOC cấp huyện và đi vào hoạt động hiệu quả. Hiện Bình Phước đã cung cấp 1.044 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 310 dịch vụ công trực tuyến một phần, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số minh bạch, hiện đại…

Liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng KHCN, tỉnh cũng đã đẩy mạnh phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để chuyển giao KHCN trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường. Quan tâm phát triển các sàn thương mại điện tử cho nông sản địa phương, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đến nay, Bình Phước đã hỗ trợ 5 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Có khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm triển khai các giải pháp y tế thông minh như bệnh án điện tử, kiosh y tế thông minh, khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng quản lý sức khỏe cộng đồng…

Triển khai thực hiện Nghị quyết 57, Bình Phước nỗ lực phấn đấu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng KHCN và chuyển đổi số. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Bình Phước đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng KHCN và chuyển đổi số. Năm 2020, tỉnh xếp thứ 25/63 tỉnh, thành về mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); năm 2021 xếp thứ 9/63, năm 2022 xếp thứ 12/63. Đồng Xoài vinh dự được trao giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2022; Sở Thông tin và Truyền thông được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” năm 2023. Đặc biệt trong năm 2024, Bình Phước được Hiệp hội Công nghiệp máy tính châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) vinh danh Giải thưởng Chính quyền số ASOCIO DX Award 2024.

Xuân Túc - Hoàng Vũ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/554/167867/khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-la-dieu-kien-tien-quyet-de-nuoc-ta-phat-trien-g