Khoa học, công nghệ góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Thuận

Trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại tỉnh Bình Thuận đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai một cách có hệ thống, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Kết quả nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã tạo ra những bước tiến đáng kể, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, phát triển ngành nông nghiệp, du lịch, và bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng GDP và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Trồng thanh long theo hướng công nghệ cao tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Trồng thanh long theo hướng công nghệ cao tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Bình Thuận luôn được chú trọng, nhằm giải quyết những vấn đề thiết thực của địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học không chỉ mang tính chất lý thuyết mà còn gắn liền với ứng dụng thực tiễn, nhằm phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường. Sau khi các nhiệm vụ khoa học công nghệ được nghiệm thu, kết quả nghiên cứu đều được bàn giao kịp thời cho các cơ quan chức năng trong tỉnh để triển khai ứng dụng vào thực tế.

Với thế mạnh về nông nghiệp, Bình Thuận đã chú trọng vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật đã giúp xác lập các giống cây trồng chủ lực và giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Điển hình là việc cải thiện chất lượng đàn bò bằng các giống tinh ngoại nhập, nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai, tuyển chọn các loài cây ăn quả có nguồn gốc bản địa, phục tráng giống lúa mẹ.

Bên cạnh đó, các kỹ thuật công nghệ cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ. Các mô hình sản xuất nông sản gắn với liên kết chuỗi như chuyển đổi cơ cấu sản xuất lúa, liên kết sản xuất và tiêu thụ mủ trôm theo hướng bền vững, sản xuất nha đam hữu cơ, trồng tỏi trên vùng đất cát, sản xuất thanh long hữu cơ và các mô hình sản xuất nho NH01-152 và táo TN05 theo hướng hữu cơ cũng đã mang lại hiệu quả cao.

Các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp tại Bình Thuận đã giúp cải thiện chất lượng sản phẩm nông sản, nâng cao năng suất lao động và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Mô hình trồng rau thủy canh, nuôi cá chình bông, ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá chẽm, sản xuất đậu bắp Nhật… là những minh chứng rõ ràng cho sự đổi mới trong cách thức sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực du lịch cũng được tỉnh Bình Thuận chú trọng. Mới đây, tỉnh đã tiến hành nghiên cứu xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận, nhằm định vị và nâng cao giá trị du lịch của địa phương. Các kết quả nghiên cứu không chỉ giúp bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của Bình Thuận mà còn góp phần phát triển du lịch bền vững.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Bình Thuận đã mang lại nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Một trong những thành tựu đáng chú ý là nghiên cứu thành công bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận, đồng thời xây dựng được bộ giải pháp khoa học và khả thi để phát triển thương hiệu du lịch địa phương. Ngoài ra, nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến thắng cảnh Bàu Trắng và đã đề xuất nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của thắng cảnh này, góp phần thúc đẩy du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tại Bình Thuận đã mang lại nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp đã giúp tăng trưởng GDP, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các mô hình nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch đang được nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận đã giúp tăng cường sự nhận diện và hấp dẫn du khách, đóng góp tích cực vào phát triển ngành công nghiệp không khói. Bên cạnh đó, các giải pháp bảo vệ môi trường và phát huy giá trị văn hóa cũng đã giúp du lịch Bình Thuận phát triển một cách bền vững, không gây hại đến hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên.

Với những thành tựu đã đạt được, Bình Thuận đang tiến dần đến mục tiêu phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân và xây dựng thương hiệu du lịch vững mạnh.

TÂM ÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khoa-hoc-cong-nghe-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tinh-binh-thuan-post854125.html