Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là tài nguyên vô tận

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn. Đồng thời cũng là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu phát triển.

Phát biểu tại lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam (18/5), sáng ngày 15/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngày KHCN Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt. Đây cũng là dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) và trao Giải thưởng khoa học mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu - một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành KHCN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc. Đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng nhấn mạnh, KHCN và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt các mục tiêu.

Thủ tướng nhấn mạnh, KHCN và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt các mục tiêu.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn. Đồng thời cũng là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu phát triển.

Xếp hạng quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Trong 10 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng của Việt Nam tăng 30 bậc, từ vị trí 76 lên 46. Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, nhất là trong thế hệ trẻ. Đến nay, Việt Nam đã có 4 "kỳ lân" khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ (MoMo, Sky, Mavis, VNLIFE), xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, bộ đang tập trung rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo. Bộ cũng đang tập trung sửa đổi toàn diện Luật KH&CN năm 2013 nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.

Về giải thưởng Tạ Quang Bửu, Ban Tổ chức cho hay qua 10 năm triển khai, Bộ KH&CN đã trao giải thưởng cho 18 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ.

Năm 2024, giải thưởng tiếp nhận 97 hồ sơ, trong đó có 76 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, 21 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 71 hồ sơ đề cử Giải thưởng chính và 26 hồ sơ đề cử Giải thưởng trẻ. Số lượng hồ sơ đề cử tại kỳ xét tặng giải thưởng năm nay tăng gấp đôi so với mọi năm và đều có chất lượng rất tốt.

Một trong những điểm mới của giải thưởng năm nay là mở rộng việc xem xét, trao giải thưởng cho các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tiếp nhận hồ sơ theo hình thức đề cử, xem xét, lựa chọn nhà khoa học để trao giải thưởng thông qua việc đánh giá kết quả nghiên cứu cơ bản trong tối đa 3 bài báo khoa học quốc tế được công bố trong thời gian 7 năm.

Năm nay, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho PGS, TS Trần Mạnh Trí - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với cụm ba công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen.

Giải thưởng cũng được trao cho TS Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với 1 công trình được công bố trên tạp chí Physical Review Letters (tạp chí khoa học hàng đầu thế giới của ngành vật lý).

Bày tỏ sự vui mừng trước những thành quả mà lĩnh vực KHCN đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, cần phát huy hơn nữa vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực. Coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương, với phương châm "hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh".

Trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo; các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho KHCN về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực.

Thủ tướng tham quan và nghe giới thiệu Mô hình kinh tế tuần hoàn từ chất thải - một sản phẩm của Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam nghiên cứu.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của mình. Chú trọng vào các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân...

Có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng. Các nhà khoa học cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Đất nước ta, xã hội chúng ta đang rất cần sự dấn thân, vượt qua khó khăn, trở ngại của các nhà khoa học để thực hiện thành công các nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo. Góp phần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mang lại niềm vinh dự, tự hào cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, dân tộc và đất nước”.

Hoài Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-la-tai-nguyen-vo-tan/20240515043831788