Khoa học công nghệ và phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) được dự đoán sẽ làm thay đổi nhanh chóng mọi mặt xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Việt Nam đang tích cực xây dựng nền công nghiệp văn hóa (CNVH) nên việc ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 là cách “đi tắt đón đầu” cần thiết, tạo sức bật cho sự phát triển.

Tiệm cận CMCN 4.0 trong ngành công nghiệp văn hóa

Theo nghiên cứu, CMCN 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính là công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Trong đó, những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) sẽ có tác động trực tiếp đến văn hóa, nghệ thuật của con người trong tương lai.

Điện ảnh là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất từ CMCN 4.0 trong tất cả các khâu (sản xuất, quảng bá, trình chiếu, lưu trữ). Sử dụng Big Data, các nhà đầu tư, sản xuất sẽ thăm dò được thị hiếu công chúng thích loại phim gì, từ đó AI tạo ra các kịch bản ăn khách. Thành tựu kỹ thuật số sẽ làm các công việc kỹ xảo, thay thế một phần diễn xuất của diễn viên... IoT sẽ đưa cả rạp phim về nhà thông qua kết nối internet... Hiện có xu hướng các công ty truyền dữ liệu video theo yêu cầu như Netflix tự sản xuất phim rồi phân phối cho người xem qua internet chứ không còn làm phim để chiếu rạp bán vé.

 Vở xiếc tạp kỹ “Ionah show” ứng dụng công nghệ hiện đại thu hút 100.000 lượt khán giả thưởng thức trong 3 năm qua. Ảnh: THU HƯƠNG

Vở xiếc tạp kỹ “Ionah show” ứng dụng công nghệ hiện đại thu hút 100.000 lượt khán giả thưởng thức trong 3 năm qua. Ảnh: THU HƯƠNG

CMCN 4.0 được dự báo sẽ phát triển các ngành CNVH toàn cầu với quy mô rộng, tốc độ nhanh chưa từng thấy. Quốc gia nào đi trước, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 thành công sẽ giành thị phần tiêu dùng văn hóa; ngoài thu về lợi nhuận khổng lồ, sẽ biến sản phẩm văn hóa thành “vũ khí”, “sức mạnh mềm” áp đảo văn hóa các quốc gia khác. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Một trong 4 yếu tố cấu thành sản phẩm CNVH là công nghệ. Không ứng dụng công nghệ tiên tiến đồng nghĩa với việc sản phẩm văn hóa khó được tiêu thụ, việc xây dựng nền CNVH gặp trở ngại lớn”.

Nhìn vào hiện trạng 12 ngành CNVH được xác định phát triển ở nước ta có thể thấy mức độ ứng dụng khoa học công nghệ mới chỉ ở mức tiệm cận CMCN 4.0. Một số lĩnh vực CNVH có bước phát triển tích cực những năm qua, như: Điện ảnh, du lịch văn hóa, quảng cáo, trò chơi. Phần mềm điện tử cũng đã cố gắng ứng dụng nền tảng công nghệ nhưng ở mức độ chưa cao. Điện ảnh có lợi thế là thiếu trang thiết bị sản xuất có thể đi thuê nhưng việc xử lý kỹ xảo, hậu kỳ phức tạp vẫn chưa có thiết bị và con người trong nước xử lý. Chính vì thiếu kinh phí nói chung và nguồn nhân lực chất lượng, nên điện ảnh Việt Nam vẫn chưa sản xuất được những bộ phim “bom tấn” về đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng như kỳ vọng. Ở những lĩnh vực khác, như: Nghệ thuật biểu diễn vẫn bị đánh giá là chậm chân do thiếu kinh phí đầu tư, vướng mắc thể chế chính sách.

Thạc sĩ Nguyễn Công Tú (Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội) cho biết: “Hầu hết các đơn vị công lập, như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Âu Cơ, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang… việc đầu tư âm thanh, ánh sáng chưa đồng bộ, thậm chí còn thiếu các hệ thống mới và hiện đại. Ngay cả các trường đại học có đào tạo về lĩnh vực âm thanh, ánh sáng sân khấu, việc đầu tư cũng chỉ mang tính tình huống và thiếu rất nhiều để phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và học tập của sinh viên”.

Đầu tư trọng tâm, tạo đà bứt phá

Muốn ứng dụng công nghệ cần có hai yếu tố quan trọng là kinh phí mua sắm, thuê mượn trang thiết bị và nhân lực chất lượng cao để sử dụng công nghệ hiệu quả.Ở những lĩnh vực “hái ra tiền” như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, du lịch văn hóa… các đơn vị tư nhân và cả đơn vị công lập đã chịu khó huy động mọi nguồn lực để mua sắm, thuê mượn trang thiết bị. Công nghệ mang lại điều mới mẻ, trực tiếp thu hút khán giả bỏ thời gian, tiền bạc đến thưởng thụ sản phẩm văn hóa.

Từ thực tiễn nhiều tiết mục, vở diễn xiếc ứng dụng âm thanh, ánh sáng ấn tượng gần đây, NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho rằng: “Áp dụng công nghệ trong nghệ thuật xiếc sẽ tạo nên sản phẩm nghệ thuật độc đáo bởi việc làm mới về kỹ thuật biểu diễn đối với một tiết mục xiếc là rất khó khăn, để nâng cao một động tác kỹ thuật xiếc cũng phải mất hàng năm. Vì vậy, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sân khấu, ánh sáng, hình ảnh và thiết kế đạo cụ là vô cùng quan trọng. Các màn biểu diễn ảo thuật sẽ trở nên kỳ bí với những biến hóa trên sân khấu nhờ sự tương tác với màn hình, điều khiển thiết bị bằng sóng điện tử”.

Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực như xuất bản lâm vào tính trạng “lực bất tòng tâm” khi hiện nay chưa có nhà xuất bản hay đơn vị làm sách tư nhân nào có phần mềm quản lý bản thảo để đẩy nhanh quy trình sản xuất bởi giá thành xây dựng quá cao.

Các ngành CNVH ở Việt Nam vốn không phát triển đồng đều nên ngay khi ban hành Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ cũng xác định phát triển CNVH có trọng tâm, trọng điểm. Cho nên, nguồn lực của Nhà nước và tư nhân cần kết hợp để đầu tư có trọng điểm cho một số lĩnh vực đang có tốc độ phát triển tốt như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn; tạo đà bứt phá cho các lĩnh vực trên thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại của CMCN 4.0.

Yếu tố con người cũng đặc biệt quan trọng bởi có đào tạo bài bản mới có tư duy nghệ thuật mới, có trình độ sử dụng trang thiết bị hiện đại. Ở một số dự án phim gần đây dù không thiếu kinh phí sản xuất, trang thiết bị phục vụ sản xuất được xem là tiên tiến nhưng tư duy của biên kịch và đạo diễn vẫn còn hạn chế khiến điện ảnh Việt vẫn chưa tạo sức ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới. Cho nên, nhiều ý kiến trong giới điện ảnh cho rằng cần có cơ chế tuyển chọn người trẻ tài năng, tâm huyết đi du học như cách làm của điện ảnh Hàn Quốc mới có thể mong điện ảnh Việt khởi sắc. Thế hệ trẻ nếu được đào tạo bài bản sẽ có tư duy nghệ thuật mới, khả năng nắm bắt công nghệ tiến tiến, biến kỹ thuật thành bộ phận cấu thành của tác phẩm nghệ thuật xuất sắc.

Một số trường đại học, cao đẳng trong khối văn hóa, nghệ thuật, như: Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam... hiện cũng bước đầu xây dựng các phòng thể nghiệm, phòng thực hành… để sinh viên thử nghiệm ứng dụng các yếu tố mới nhất trong công nghệ vào quá trình sáng tạo. Tin tưởng, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ ngày càng phát triển và nâng cao chất lượng phổ cập văn hóa nghệ thuật tới công chúng, thay bằng việc ứng dụng tự phát và tự học như hiện nay.

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/khoa-hoc-cong-nghe-va-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-591131