Khoa học và công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) vào khai thác là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng cho sản phẩm thủy sản. UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan tập trung nghiên cứu, chuyển giao hỗ trợ các tiến bộ KHCN - kỹ thuật cho ngư dân, nhờ đó hoạt động khai thác thủy sản... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

ng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KHCN) vào khai thác là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng cho sản phẩm thủy sản. UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan tập trung nghiên cứu, chuyển giao hỗ trợ các tiến bộ KHCN - kỹ thuật cho ngư dân, nhờ đó hoạt động khai thác thủy sản trong tỉnh những năm qua có chuyển biến và phát triển vượt bậc.

Tàu cá vỏ thép được trang bị công nghệ hiện đại neo đậu tại cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu).

Từ đội tàu thủ công lạc hậu, tính đến tháng 6-2021, toàn tỉnh có 2.143 tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó 533 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác ở vùng khơi được trang bị các thiết bị hiện đại. Các thiết bị điện tử hàng hải như máy đo sâu - dò cá, máy định vị, máy thông tin liên lạc, ra đa, điện thoại vệ tinh được sử dụng phổ biến trên tàu cá. Ngoài ra, một số tàu cá còn có thiết bị được cài đặt sẵn các phần mềm dự báo thời tiết, dự báo thiên tai, kịp thời cập nhật thông tin thời tiết để chủ động ứng phó, giảm được thời gian di chuyển, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên tàu trong các tình huống mưa bão. Ứng dụng các loại máy móc, thiết bị cơ giới trong quá trình đánh bắt, đội khai thác theo nghề lưới rê với hơn 200 tàu cá được trang bị 2 máy tời thu lưới thủy lực để giải phóng sức lao động cho thủy thủ, thuyền viên, tăng năng suất đánh bắt. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phối hợp với các ngành, UBND các huyện tuyên truyền, vận động chủ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Đã có 456 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thực hiện các quy định về khai thác thủy sản như: trước khi tàu rời, cập cảng cá phải khai báo với tổ chức cảng cá, hoạt động đúng vùng khai thác được phép khai thác, ghi, nộp nhật ký, không vi phạm ranh giới vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép… Việc áp dụng khoa học công nghệ để bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu khai thác xa bờ ngày càng được các chủ tàu, thuyền trưởng quan tâm. Các tàu cá vùng khơi khai thác dài ngày trên biển đã trang bị hầm bảo quản bằng các chất liệu cách nhiệt tốt như xốp PU Foam có độ kín cao, không thoát nhiệt, tránh nước và không khí bên ngoài thẩm thấu vào. Theo các ngư dân, sử dụng xốp ghép, PU có ưu điểm hơn hẳn so với phương pháp bảo quản truyền thống, giúp tiết kiệm được 30% lượng đá, kéo dài thời gian bảo quản, sau 15 ngày chất lượng sản phẩm bảo quản vẫn đảm bảo tốt. Một số tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã sử dụng hệ thống bảo ôn lắp đặt trên tàu giúp giữ cá tươi trong thời gian dài, giúp các tàu cá bám biển dài ngày hơn, mỗi chuyến kéo dài 25-30 ngày. Mặc dù các hoạt động khai thác thủy sản hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách thức như các hình thái thời tiết cực đoan trên biển đang ngày càng khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, nguồn lợi thủy sản giảm… nhưng nhờ trang bị các thiết bị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên sản lượng khai thác của tỉnh vẫn tăng đều qua mỗi năm. Năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt 56,3 nghìn tấn, tăng 2,83% so với năm 2019. 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác ước đạt gần 31 nghìn tấn, đạt 53,9% kế hoạch.

Toàn tỉnh có 153 cơ sở chế biến thủy sản, trong đó có 10 cơ sở với quy mô công nghiệp được trang bị máy móc và công nghệ mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản khai thác của tỉnh với các sản phẩm thế mạnh như: nước mắm, mắm tôm, sứa ăn liền, cá thu cấp đông, đặc biệt là 22 sản phẩm thủy sản được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, khai thác, chế biến thủy sản của tỉnh cũng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác, nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch tuy đã từng bước được cải thiện nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Trình độ của lực lượng lao động trên biển còn thấp ảnh hưởng đến việc ứng dụng các công nghệ khai thác, bảo quản hiện đại vào sản xuất. Nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm trong khi số lượng tàu tăng lên dẫn đến xung đột cạnh tranh ngư trường nên nhiều chủ tàu còn ngần ngại đầu tư chiều sâu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Cơ sở thu mua, chế biến còn nhỏ lẻ, thiếu các nhà máy chế biến thủy sản; hệ thống dịch vụ hậu cần chưa đáp ứng được nhu cầu thu mua, bảo quản, chế biến nên giảm giá trị sản phẩm thủy sản, chế biến.

Để đẩy mạnh ứng dụng trong khai thác, chế biến thủy sản, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác hải sản, tập trung phát triển đội tàu có công suất lớn khai thác xa bờ, các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, giảm dần số lượng tàu công suất nhỏ gần bờ. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại mô hình liên kết sản xuất trên biển theo tổ đội, tổ hợp tác, nghiệp đoàn để nâng cao hiệu quả khai thác. Hiện đại hóa công nghệ quản lý tàu cá. Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản. Tiếp nhận chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN trong khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5090/202107/khoa-hoc-va-cong-nghe-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-khai-thac-thuy-san-2544994/