Khoa học và công nghệ hướng về cơ sở

Với phương châm khoa học và công nghệ (KH&CN) hướng về cơ sở, xuất phát từ cơ sở và ứng dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị tập trung đầu tư cho những hoạt động nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, từ đó làm thay đổi cơ bản chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Các cấp chính quyền cũng quan tâm xây dựng bộ máy tổ chức và đầu tư kinh phí hoạt động thúc đẩy phong trào ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh phát triển.

 Nghiên cứu trồng thử nghiệm giống cà chua cherry ở Hướng Phùng, Hướng Hóa. Ảnh: VTH

Nghiên cứu trồng thử nghiệm giống cà chua cherry ở Hướng Phùng, Hướng Hóa. Ảnh: VTH

Năm 2019, Sở KH&CN đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở do sở xét giao trực tiếp thực hiện năm 2019 với 9 nhiệm vụ gồm: Dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời cung cấp điện phục vụ nghiên cứu, sản xuất tại Trạm Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa; đề tài điều tra chọn cây giống làm vật liệu đầu dòng và xây dựng mô hình vườn ươm giống bơ địa phương có triển vọng của huyện Gio Linh; các dự án xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính có ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Đakrông; đề tài nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây xoài ghép Đài Loan ĐL4 và cây sầu riêng monthong Thái Lan tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa; đề tài sản xuất cây giống hoa lan hồ điệp trong nhà kính hiện đại tại thành phố Đông Hà từ bình giống lan nuôi cấy mô; đề tài ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm nấm mối đen; đề tài sản xuất thử nghiệm cây hoa hồng môn tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa.

Sở KH&CN cũng đã phê duyệt và kí kết hợp đồng thực hiện 8 nhiệm vụ KH&CN ở cơ sở gồm: Đề tài nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây xoài ghép Đài Loan ĐL4 và cây sầu riêng monthong Thái Lan tại xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa; đề tài điều tra chọn cây giống làm vật liệu đầu dòng và xây dựng mô hình vườn ươm giống bơ địa phương có triển vọng của huyện Gio Linh; dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời cung cấp điện phục vụ nghiên cứu, sản xuất tại Trạm Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa; dự án thử nghiệm trồng cây dâu tây chịu nhiệt Fragaria tại khu vực Bắc Hướng Hóa; dự án xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính có ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại huyện Cam Lộ; dự án xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính có ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại huyện Triệu Phong; dự án xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính có ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông; dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sấy tiên tiến để chế biến và bảo quản nâng cao giá trị chuối quả trên địa bàn tỉnh.

Các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở tập trung hỗ trợ tích cực cho các đơn vị, địa phương hoàn thiện, chuyển giao các công nghệ, các mô hình mới gắn với thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh, giúp các đơn vị nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, phục vụ có hiệu quả phát triển KT- XH địa phương. Việc lựa chọn và giao nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc. Các nhiệm vụ tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu các nông sản chủ lực của tỉnh nhằm làm tăng chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có đăng kí nhãn hiệu chứng nhận, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tiêu biểu như: Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính tại vùng gò đồi các Triệu Phong, Cam Lộ và xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông”. Các địa phương tham gia thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu, đánh giá điều kiện khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng vùng thực hiện dự án để triển khai trồng thử nghiệm theo 3 công thức về mật độ và thời điểm trồng; xây dựng mô hình trồng thử nghiệm với quy mô 1.000 m2 /điểm có ứng dụng phương pháp phủ bạt và hệ thống tưới phù hợp; hoàn thiện quy trình trồng, thu hoạch, sơ chế cây sâm bố chính phù hợp với điều kiện sản xuất tại vùng gò đồi.

Đề tài “Điều tra chọn cây giống làm vật liệu đầu dòng và xây dựng mô hình vườn ươm giống bơ địa phương có triển vọng của huyện Gio Linh” với mục tiêu điều tra chọn được 4- 5 cây đầu dòng có triển vọng làm vật liệu ghép đạt tiêu chí và đánh giá kết quả những cây bơ đầu dòng đã chọn. Từ cây đầu dòng xây dựng nguồn cây mẹ, dự án đã đầu tư xây dựng vườn ươm giống bơ địa phương có triển vọng với quy mô 2.000 cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Đồng thời, hoàn thiện quy trình nhân giống cây và trồng cây bơ phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Gio Linh Võ Thị Tuyết Trinh cho biết: “Cây bơ trên địa bàn huyện có chất lượng tốt nhưng do trồng từ cây thực sinh nên chất lượng không đồng đều. Do đó, dự án lựa chọn giống từ các cây bơ có chất lượng quả tốt, cây khỏe để tiến hành ghép nối ngọn tạo ra giống bơ ghép cho chất lượng quả ngon và đồng đều. Dự án thành công sẽ chuyển giao cho người dân giống bơ ghép và kĩ thuật ghép để người dân chủ động nguồn giống bơ tốt nhằm phát triển sản phẩm bơ hàng hóa. Qua đề tài nhằm đánh giá năng suất, hiệu quả của giống bơ mới; hiệu quả của việc thay đổi tập quán canh tác quảng canh, trồng cây thực sinh của nông dân sang trồng tập trung thâm canh, ứng dụng nhân giống bằng phương pháp ghép chồi, từ đó làm cơ sở nhân rộng mô hình”.

Việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN ở cơ sở là những hoạt động nghiên cứu KH&CN sát với thực tiễn và có ý nghĩa, giá trị thiết thực. Các kết quả nghiên cứu thành công nhiệm vụ KH&CN cơ sở năm 2019 sẽ được nhân rộng trong các năm tiếp theo, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144919