Khoa học và công nghệ là trọng tâm

Sóc Trăng là một tỉnh có tiềm năng trong phát triển thủy sản, nhất là lĩnh vực nuôi. Do đó, theo ông Huỳnh Ngọc Nhã – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng và giải pháp phát triển nghề nuôi thủy sản, Sóc Trăng sẽ tập trung ưu tiên cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển nghề nuôi hiệu quả và bền vững.

Sóc Trăng hiện có 4 đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ, tôm sú, cá tra và artemia. Hiện nay có khoảng 50.000ha nuôi tôm nước lợ, 50ha nuôi cá tra và 680ha diện tích nuôi artemia. Giai đoạn sắp tới, tỉnh tiếp tục duy trì diện tích đối với các đối tượng chủ lực này nhưng đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến đưa vào từng công đoạn sản xuất như quan trắc môi trường, quan trắc dịch bệnh, chọn lọc giống chất lượng cao để nâng cao sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích, thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu.

Tôm nước lợ vẫn là đối tượng nuôi chủ lực và được khuyến khích phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo hiệu quả và bền vững. Ảnh: TÍCH CHU

Tôm nước lợ vẫn là đối tượng nuôi chủ lực và được khuyến khích phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo hiệu quả và bền vững. Ảnh: TÍCH CHU

Theo đó, mô hình nuôi tôm nước lợ thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay đó là mô hình nuôi tôm thẻ 2 - 4 giai đoạn để thu hoạch tôm kích cỡ lớn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tuần hoàn nước khép kín, ít tác động đến môi trường tự nhiên bên ngoài. Đặc biệt là các mô hình nuôi ao tròn khung sắt hoặc ao tròn bêtông vì đây là những mô hình bền vững và rất thích hợp để liên kết đầu ra sản phẩm với các công ty chế biến xuất khẩu theo các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, BAP. Ngoài ra, tỉnh cũng mở rộng và duy trì các mô hình nuôi tôm khác mang tính bền vững theo điều kiện từng vùng như: mô hình tôm sinh thái, tôm hữu cơ, tôm – lúa đối với đối tượng tôm sú. Tỉnh cũng tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến đối tượng nuôi artemia; phát triển các đối tượng, mô hình nuôi hiệu quả khác, như: tôm càng xanh, cá ao mương vườn và các đối tượng có giá trị kinh tế khác nhằm tạo sinh kế tại chỗ, góp phần giảm nghèo cho bà con trong vùng nông thôn. Đặc biệt, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung quan tâm nhiều hơn cho việc phát triển nghề nuôi các loài đặc sản ven bờ.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh tập trung vào các nhóm giải pháp về quy hoạch, tổ chức sản xuất, khoa học công nghệ, chính sách và tín dụng… Về quy hoạch, tỉnh tiến hành bố trí lại quy hoạch vùng nuôi theo từng đối tượng nuôi và quy mô nuôi thích ứng với điều kiện của từng khu vực trên địa bàn tỉnh, gắn với quy hoạch thủy lợi, giao thông và cơ sở hạ tầng khác có liên quan. Hình thành những vùng nuôi tôm tập trung, nuôi tôm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và quản lý như quan trắc môi trường tự động, quan trắc dịch bệnh và áp dụng các quy phạm thực hành nuôi tốt như VietGAP hoặc ASC, BAP liên kết với các nhà máy chế biến xuất khẩu, để nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Thứ hai là thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể dưới các hình thức, hình thành những tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động hiệu quả và gắn vào chuỗi liên kết vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra theo hướng nuôi tôm thực hành nuôi tốt đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và khắc phục sự manh mún trong sản xuất.

Tiềm năng phát triển cá nước lợ, ngọt, như: cá chẽm, cá bông lau, cá rô phi… đặc biệt là đối tượng artemia là rất lớn. Ảnh: TÍCH CHU

Tiềm năng phát triển cá nước lợ, ngọt, như: cá chẽm, cá bông lau, cá rô phi… đặc biệt là đối tượng artemia là rất lớn. Ảnh: TÍCH CHU

Đối với giải pháp về khoa học và công nghệ, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các đề tài nghiên cứu, hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ trong sản xuất, thực hiện những mô hình điểm thích ứng với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhân rộng đến người nuôi; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chọn lọc sản xuất giống trên địa bàn để chủ động cung cấp nguồn giống tại chỗ chất lượng cao đến vùng nuôi; áp dụng các công nghệ tiên tiến trong từng khâu, từng công đoạn sản xuất và quản lý vùng nuôi nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải pháp về chính sách và tín dụng, tỉnh sẽ rà soát lại các chủ trương và các chính sách chưa được khai thác đúng mức để từ đó thực thi hóa hỗ trợ người dân trong quá trình nuôi trồng thủy sản, nhằm hướng đến thắng lợi mục tiêu đã đề ra; phối hợp với các ban ngành và ngân hàng để thương thảo các chính sách cho vay vốn theo từng phương án sản xuất và cho vay theo chuỗi giá trị.

Tuy có tiềm năng lớn, nhưng nghề nuôi thủy sản của tỉnh cũng còn không ít khó khăn và một trong số đó là vùng nuôi còn rời rạc, nhỏ lẻ, manh mún. Số hợp tác xã, tổ hợp tác chưa nhiều và hiệu quả hoạt động chưa cao; trình độ kỹ thuật của người dân còn thấp, đa phần thiếu vốn sản xuất, nên việc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào quá trình nuôi vẫn còn hạn chế. Vùng nuôi ngày càng phát triển, thâm canh hóa ngày càng cao… nhưng vẫn chưa tạo được sự đồng bộ về công nghệ, giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất… Do đó, ông Huỳnh Ngọc Nhã đề xuất quy hoạch lại vùng nuôi tập trung các đối tượng chủ lực để quản lý tốt hơn, tạo ra lượng sản phẩm lớn, tạo thương hiệu và đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế; thúc đẩy sự phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác và chủ động gắn kết tiêu thụ với các nhà máy chế biến. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã, tổ hợp tác, chú trọng thu hút cán bộ trẻ có năng lực, trình độ tham gia vào ban quản trị, ban điều hành hợp tác xã, tổ hợp tác; phối hợp với các ban ngành có liên quan để cùng nhau tháo gỡ những vấn đề khó khăn của vùng nuôi như về vốn, về công nghệ. Tuyên truyền sâu đến vùng nuôi các quy định của Luật Thủy sản cũng như các quy định khác có liên quan để thực thi hóa các chủ trương của ngành hướng đến mục tiêu phát triển chung.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/khoa-hoc-va-cong-nghe-la-trong-tam-48337.html