'Khoác áo' cho di sản!
Bộ VH-TT&DL vừa ban hành các quyết định về việc công bố thêm 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đó là điều đáng mừng, nâng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tới sự phong phú, đa dạng. Việc lựa chọn đưa vào danh mục di sản rất quan trọng bởi những tiêu chí thể hiện bản sắc cộng đồng, đa dạng văn hóa sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ…
Các lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tiếng nói - chữ viết, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian… được đưa ra kiểm kê, phân loại và phân tích một cách tỉ mỉ để hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa đối với đời sống xã hội và bản thân mỗi cá thể trong cộng đồng.
Song hành với di sản văn hóa phi vật thể là di sản văn hóa vật thể, bao gồm các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di - cổ vật…
Nhà nước lựa chọn vào danh mục di sản không ngoài mục đích bảo tồn – bảo vệ, thứ đến là phát huy các giá trị của di sản. Tuy nhiên, nhìn lại cách ứng xử của chúng ta đối với các di sản đang rất có vấn đề. Hiện tượng viết, vẽ bậy, làm bẩn di tích, xâm phạm di sản đang rất phổ biến.
Không ở đâu xa, ngay Hà Nội với tháp Hòa Phong – một di tích cổ còn sót lại của chùa Báo Ân. Những dòng chữ tình cảm mùi mẫn đè trên hình mũi tên xuyên tim, cả những thứ triết lý không đầu không cuối nguệch ngoạc, loang lổ khắp bức tường. Cơ quan chức năng ra rả nói, quyết liệt cấm nhưng chỉ được một thời gian thì đâu lại vào đó. Những kẻ “lắm chữ nhưng vô học” lại tiếp tục biến di tích thành bảng nháp.
Và cũng không đâu xa, mới đây tại khu di tích đình Tây Đằng (Ba Vì – Hà Nội), được ai đó thay thế 2 cánh cổng nhôm đúc kiểu dành cho biệt thự, lâu đài. Ấy thế nhưng khi bị “truy” trách nhiệm, vị chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng lại đổ hết lỗi cho dân, vì chính quyền chỉ nắm bắt thông tin(?!)
Các di tích bị xâm phạm không còn là ví dụ hiếm, nhưng đến di sản văn hóa phi vật thể - dù tay người không sờ vào được, nhưng cũng đối diện với nguy cơ mai một và thậm chí là biến tướng sai lệch. Năm 2018, Lào Cai có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tỉnh này xác định có nguy cơ mai một cao như: Nghi lễ Then của dân tộc Tày, Tết Sử - giề - pà của người Bố Y…
Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cũng đứng trước tình trạng thực hành với nhiều biểu hiện lệch lạc. Nhiều “đồng đua”, “đồng đú” xuất hiện, bùng phát việc trình đồng, mở phủ. Đến âm nhạc hát văn cũng bị biến tấu thêm thắt nhạc Tây Du ký, nhạc sàn, Tiếng chày trên sóc Bom Bo… phá vỡ thuần phong mỹ tục, xuyên tạc văn hóa tâm linh.
Được chọn vào danh mục di sản, rồi tương lai ra sao là câu hỏi bị bỏ quên! Ai cũng biết là phải tập huấn, tuyên truyền, gìn giữ… nhưng quan trọng vẫn là trách nhiệm của cấp quản lý Nhà nước. Ai dám chắc người đứng đầu luôn có trách nhiệm, hoặc sẽ dũng cảm nhận lỗi? Vì di tích đình Tây Đằng đã là một ví dụ rất điển hình về “tấm gương” đổ lỗi cho dân rồi!
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/khoac-ao-cho-di-san-gwlxVe8Mg.html