Khoác áo mới cho nhạc Trịnh

Gần đây, nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ họ Trịnh được 'khoác áo mới' bằng sự sáng tạo của các ca sĩ trẻ và khán giả đón nhận.

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn mang đậm tính thời đại. Bất kỳ ai, ở thời đại nào cũng có thể tìm thấy mình trong mỗi lời ca, giai điệu của ông. Và bất kỳ nghệ sĩ nào, nếu có thể cảm nhận sâu sắc về tâm hồn của ông đối với cõi đời này, đều có thể tìm đến suối nguồn âm nhạc bất tận ấy, để thể hiện mình, vùng vẫy theo cách của mình nhưng vẫn phải giữ được tinh thần mà nhạc sĩ họ Trịnh muốn gửi gắm. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn vì thế mà được nối dài mãi, trải rộng mãi, chiêm nghiệm mãi.

Trong đời sống âm nhạc đương đại, các ca sĩ trẻ đã mạnh dạn làm mới nhạc Trịnh, tuy lạ và theo xu hướng hiện đại nhưng chất của tác phẩm vẫn không thay đổi. Rapper Hà Lê vừa ra mắt album Ở trọ sau hai năm trăn trở tìm hướng đi cho mình, lập tức được chú ý và công chúng đánh giá cao. Ở trọ gồm 7 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Ở trọ, Diễm xưa, Mưa hồng, Biển nhớ, Tuổi đá buồn, Nhớ mùa thu Hà Nội, Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Hướng đến một tinh thần đương đại, tự do, phóng khoáng để nhạc Trịnh đến gần với khán giả trẻ hôm nay, Hà Lê và các cộng sự đã mạnh dạn cách tân khi sáng tác thêm phần lời (đọc rap) và pha trộn những phong cách, loại hình nghệ thuật thời thượng. Chân dung nghệ sĩ đương đại vừa hát, nhảy, đọc rap của Hà Lê trên nền RnB, World Music, EDM, Reggae đã mở ra một hồn Trịnh khác, một không gian Trịnh khác: tươi mới, mộng ảo, nhưng không kém phần trữ tình, sâu sắc. Những nhạc phẩm bất hủ của Trịnh Công Sơn qua giọng hát và không gian sáng tạo của Hà Lê được cất lên đầy sống động và bất ngờ.

Rapper Hà Lê vừa ra mắt album Ở trọ, các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được làm mới theo phong cách đương đại.

Rapper Hà Lê vừa ra mắt album Ở trọ, các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được làm mới theo phong cách đương đại.

“Tôi đến với nhạc Trịnh như một số mệnh, đúng hơn như một tiếng gọi. Tổng hòa của album là một trải nghiệm âm nhạc dịu mát, thư thái như cơn mưa hồng ngọt lành đổ xuống những ngày hè oi ả” - rapper Hà Lê chia sẻ.

Trước Ở trọ, khán giả đã được thưởng thức cách làm mới nhạc Trịnh qua single Bốn mùa nhớ của nữ ca sĩ Phạm Thu Hà. Bốn mùa nhớ gồm 3 nhạc phẩm quen thuộc gồm Gọi tên bốn mùa, Nghe những tàn phai, Chiều một mình qua phố. Nếu như: ở Gọi tên bốn mùa, Phạm Thu Hà thể hiện sự trong trẻo, đáng yêu của người thiếu nữ mượn thiên nhiên để thể hiện tình yêu của mình thì ở Nghe những tàn phai lại là câu chuyện của người con gái với một chút tĩnh lặng, một chút nhung nhớ người yêu trong cuộc sống bộn bề. Cũng giống như tính cách của mình, nữ ca sĩ thể hiện đậm nét sự bình thản, khoan thai trong Chiều một mình qua phố. Không bi lụy, không day dứt hay dằn vặt, Phạm Thu Hà đã thể hiện nhạc Trịnh theo cách riêng của mình - nhẹ nhàng, sâu lắng, trong sáng và tràn đầy năng lượng. Nữ ca sĩ mang đến cho người nghe một tinh thần hoàn toàn mới trong âm nhạc Trịnh, đó chính là sự lạc quan, yêu đời và tràn đầy niềm tin, hy vọng trong cuộc sống. Từ đó, trong mỗi bài hát, khán giả cảm nhận được không chỉ tình yêu, thân phận mà còn cả niềm hy vọng vào ngày mai của những người trẻ thông qua nhạc Trịnh.

Bên cạnh đó, Đồng Lan - ca sĩ trẻ từng gây bất ngờ với nhạc Trịnh khi đầu tư 6 năm để thực hiện album Này em có nhớ với 9 ca khúc của Trịnh Công Sơn. Điều đặc biệt, ở album này, Đồng Lan hát song ngữ Việt - Pháp các ca khúc của Trịnh theo phong cách nhạc jazz. Hay ca sĩ Đức Tuấn đã sử dụng phong cách neo-classical cho bản hòa âm Đóa hoa vô thường để mang lại cảm giác phóng khoáng hơn mà vẫn đậm chất tự sự. Nam ca sĩ cũng từng làm mới ca khúc Ta thấy gì đêm nay. Bài hát này được Đức Tuấn phối lại theo phong cách smooth jazz chill-out (còn gọi là jazz-chill) mới mẻ, độc đáo. So với các phiên bản của Khánh Ly và Cẩm Vân từng thể hiện, Đức Tuấn chọn lối thu âm vừa rộn ràng theo nhịp điệu gốc của ca khúc, vừa thư thái để diễn đạt phần ca từ đẹp của Ta thấy gì đêm nay.

Phạm Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khoac-ao-moi-cho-nhac-trinh-n175718.html