'Khoác áo mới' cho tác phẩm kinh điển

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều tác phẩm kinh điển được làm mới và xuất hiện trở lại. Điều này không chỉ minh chứng cho sức sống trường tồn của các tác phẩm, mà còn cho thấy 'tầm nhìn' liên tục đổi mới của các nhà làm sách trong nước.

Các tác phẩm văn học kinh điển luôn là “kho tàng” mà mọi thế hệ từ đó tìm kiếm. Chúng có giá trị trường tồn cùng với thời gian, do vậy xứng đáng được xuất bản với nhiều hình thức khác nhau, để tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả hơn, trong đó có cả trẻ em.

Nếu thời gian trước, các ấn phẩm có sự bắt mắt về mặt ngoại hình, cách trình bày… đều mua bản quyền từ các nhà xuất bản nước ngoài như sách tương tác, sách 3D, sách pop-up… thì giờ đây, các nhà xuất bản và công ty sách đã dần tự mình tạo ra những tác phẩm riêng, không còn phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.

Tác phẩm "Hai vạn dặm dưới biển" của nhà văn Jules Verne là một trong những tác phẩm kinh điển vừa được trở lại trong một diện mạo hoàn toàn mới, do các họa sĩ của Việt Nam thực hiện

Tác phẩm "Hai vạn dặm dưới biển" của nhà văn Jules Verne là một trong những tác phẩm kinh điển vừa được trở lại trong một diện mạo hoàn toàn mới, do các họa sĩ của Việt Nam thực hiện

Một trong số đó là các cải tiến về mặt hình ảnh, trình bày cũng như sử dụng tranh minh họa. Có thể thấy rằng những tác phẩm như Alice ở xứ sở diệu kỳ, Tiếng gọi từ hoang dã hay Hai vạn dặm dưới biển… từng rất quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả, nhưng trong thời 4.0 với sự sao nhãng cũng như ảnh hưởng từ công nghệ, thì việc làm sao để chúng trở nên cuốn hút với thế hệ trẻ cũng được đặt lên hàng đầu.

Nắm bắt được điều này, Đinh Tị Books đã cho ra mắt những cuốn sách trên với phiên bản kèm tranh minh họa vô cùng cuốn hút và ấn tượng, có cải tiến thêm về mặt chất liệu, như bìa cứng, giúp tăng thêm nữa tuổi thọ sử dụng.

Không chỉ vậy, đơn vị này còn chú trọng sử dụng các hình minh họa được vẽ bởi các họa sĩ Việt Nam. Giờ đây không còn phải mua bản quyền hình ảnh từ các đơn vị nước ngoài, đội ngũ họa sĩ trong nước cũng đủ khả năng để tạo ra các ấn phẩm riêng biệt, độc đáo, có đủ sức cạnh tranh dù là thị trường ở trong hay là ngoài nước.

Đại diện Đinh Tị Books cho biết: “Sách kinh điển là những cuốn sách có giá trị to lớn về một phương diện nào đó và đã chứng minh được giá trị của mình qua thời gian. Cũng bởi vì có giá trị như vậy, sách kinh điển xứng đáng được xuất bản với nhiều hình thức khác nhau để tiếp cận nhiều đối tượng độc giả hơn. Đó là lý do chúng tôi quyết định xuất bản sách kinh điển kèm tranh minh họa”.

Nói về xu hướng này, đại diện đội ngũ họa sĩ của Đinh Tị Books cũng cho rằng, khi sáng tác, họ luôn phải dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về bối cảnh, phong tục, văn hóa… mà các tác phẩm ra đời. Từ đó cho ra đời những tác phẩm vừa khớp với nội dung, vừa thể hiện được tinh thần của nguyên tác gốc, lại vừa phù hợp với bối cảnh lịch sử đặc trưng của dòng văn học kinh điển. Là lớp người Việt sáng tạo cho độc giả Việt, họ cố gắng gửi gắm yếu tố Việt Nam sao cho thật phù hợp nhất, mà không ôm đồm hay cố gượng ép.

Một hướng đi khác cũng rất có thể sẽ phát triển thêm trong thời gian tới là dùng các công cụ trí tuệ nhân tạo cũng như thuật toán học máy để tạo ra hình minh họa có phong cách riêng, bằng Mid Journey hoặc các chương trình tương tự. Tuy nhiên, chia sẻ về khía cạnh này, đại diện của Đinh Tị Books cho rằng “cần phải thận trọng vì các tranh cãi về vấn đề bản quyền của một sản phẩm do AI tạo ra còn chưa ngã ngũ. Do đó, tạm thời chúng tôi chưa có dự định sử dụng sản phẩm do AI tạo ra vào trong xuất bản phẩm của mình”.

Từ những điều trên có thể thấy rằng các nhà xuất bản và công ty sách đang rất nỗ lực để tạo ra đời sống mới cho các tác phẩm văn học kinh điển. Đây không chỉ là những sự cố gắng giúp cho tác phẩm đến đúng đối tượng độc giả, mà còn cho thấy giới xuất bản hiện đang nắm bắt rất gần với sự chuyển dịch của trào lưu thế giới.

VIÊN THI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khoac-ao-moi-cho-tac-pham-kinh-dien-post687447.html