Khoác áo mới nơi công cộng bằng nghệ thuật

Biến những thứ vô tri vô giác như bờ tường, thậm chí là... nơi tập kết rác thành một không gian nghệ thuật bằng tác phẩm hội họa, sắp đặt đang diễn ra ở nhiều địa phương nước ta.Ðiều này góp phần thay đổi bộ mặt phố phường, ngõ xóm và giúp người dân có thêm không gian thưởng thức nghệ thuật độc đáo.

Những ai đến đoạn đường ven sông Hồng tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước kia thường phải bịt mũi, che miệng vì đây là nơi tập kết nhiều rác thải. Nhưng giờ thì khác, bởi 16 nghệ sĩ trong nước và quốc tế vừa khoác tấm áo mới bằng các bức tranh, tác phẩm sắp đặt làm từ phế liệu sau khi được tái chế. Đặt chân tới đoạn đường ấy bây giờ, ai ai cũng bị hớp hồn bởi những tác phẩm được làm kỳ công và mang nhiều ý nghĩa.

Đó là tác phẩm của nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Ưu Đàm miêu tả trận chiến vì một cuộc sống xanh, với hình ảnh mỗi người lái xe máy như một Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, chiến đấu với kẻ thù ống đựng chất thải như một con mãng xà. Nhiều người cũng phải đứng lại hoặc bước chầm chậm ngắm tác phẩm Xẩm tàu điện của tác giả Phạm Khắc Quang, mô tả lại loại hình hát xẩm đặc trưng của Hà Nội xưa, diễn ra trên chuyến tàu chở những thanh âm phận đời xuôi ngược trong thành phố được làm từ những miếng thép vụn cũ và phía sau được liên kết bằng túi nilon nhiều màu. Tác phẩm Thuyền của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông cũng rất độc đáo. Từ vỏ chai nhựa, hộp dầu nhớt xe máy, đầu xe máy hỏng, Vũ Xuân Đông đã tái hiện hình ảnh đoàn thuyền buôn đang lướt sóng như thuở nơi đây còn là bến thuyền tấp nập...

Có thể nói, 16 tác phẩm sắp đặt từ nguyên liệu tái chế tại đoạn đường ven sông Hồng phường Phúc Tân đã thổi một luồng không khí mới vào cuộc sống cộng đồng, thay đổi nhận thức của người dân về môi trường. Từ một địa điểm ít ai đặt chân tới vì mùi hôi, bẩn của rác, thì giờ đây bãi rác ven sông Hồng ấy đang là điểm đến của nhiều bạn trẻ và du khách nước ngoài để thưởng lãm nghệ thuật.

Đoạn đường ven sông Hồng tại phường Phúc Tân vừa được khoác áo mới bằng các tác phẩm nghệ thuật làm từ đồ tái chế. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đoạn đường ven sông Hồng tại phường Phúc Tân vừa được khoác áo mới bằng các tác phẩm nghệ thuật làm từ đồ tái chế. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tại Việt Nam, nhiều không gian nghệ thuật công cộng tương tự kể trên ngày càng nở rộ. Có thể kể đến phố Hồng Quang, Thanh Niên, Phạm Ngũ Lão... của thành phố Hải Dương, hàng loạt các bốt điện, trụ nước cứu hỏa trước đây có các hình vẽ bậy, dán chằng chịt tờ quảng cáo. Nay diện mạo bốt điện, trụ nước cứu hỏa đã khác khi những bức tranh về thiên nhiên, phong cảnh hoặc một loại hoa riêng, họa tiết riêng thay vào.Những tác phẩm hội họa này đã xóa đi hình ảnh nhếch nhác và phản cảm trước đó, đồng thời tuyên truyền tới cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.Và không thể phủ nhận, các bức vẽ ấy đã góp phần làm phố phường của đô thị ngày càng sạch đẹp, văn minh.

Gần 2 năm nay, phố Hồ Nguyên Trừng (TP.Đà Nẵng) cũng trở nên sinh động, giàu màu sắc hơn vì những bức tường đã được các nghệ sĩ khoác lên những bức bích họa với chủ đề sống động, thể hiện thông điệp về một cuộc sống tươi đẹp, yên bình. Những bức tường vô hồn, qua bàn tay tài hoa của những họa sĩ đã mang một màu sắc mới, tươi sáng hơn. Hoặc các bức tường hai bên đường Trần Quốc Toản (gần Bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) gần đây, các họa sĩ đã thể hiện bằng các bức bích họa tái hiện không gian văn hóa, sinh hoạt của người dân vùng sông nước Cần Thơ xưa và nay như: xe lam, xe lôi, chợ cổ Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng, cầu đi bộ...

Có thể nói, nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng nơi công cộng ở Việt Nam với những tác phẩm độc đáo, sáng tạo của người nghệ sĩ đang nở rộ. Những tác phẩm, công trình này giúp người dân và du khách có cơ hội hiểu thêm về nét văn hóa, sinh hoạt của vùng đất ở nơi đó. Hơn thế, các bức bích họa, tác phẩm sắp đặt còn tạo mỹ quan, cải thiện môi trường, văn minh đô thị và tạo thêm một điểm dừng chân tham quan, khám phá cho du khách gần xa...

Hoàng Trang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khoac-ao-moi-noi-cong-cong-bang-nghe-thuat-n169729.html