'Khoác áo từ bi'

Càng gần đến ngày Lễ Vu lan (Rằm tháng Bảy âm lịch), các chợ mua bán động vật, nhất là các loài chim, trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Để phục vụ cho việc phóng sinh, nhiều người đã “đặt hàng” cho các thợ săn hàng mua trăm con chim, đủ các chủng loại để thả lên trời trong ngày Lễ Vu lan.

Ngay trong những ngày đầu tháng Bảy âm lịch, những người chuyên đi săn bắt chim trời đã bủa về nhiều vùng quê có chim thường trú ngụ. Hình thức phổ biến nhất là giăng lưới “tàng hình”, tức lưới được đan bằng loại cước rất bé, màu lưới lẫn với màu trời nên chim khó phát hiện được. Người bẫy chim dùng một chiếc máy thu tiếng chim gọi bầy hoặc tiếng chim “khiêu khích” rồi phát qua một chiếc loa, đặt phía sau mành lưới “tàng hình” nọ.

Nghe thấy tiếng “gọi bầy” hoặc khiêu khích kia, hàng đàn chim trời cứ thế mà lao vào. Thế là bị mắc lưới. Người bẫy chim chỉ việc đến nhặt từng con rồi cho vào lồng. Yến là loài chim dễ mắc bẫy qua hình thức này.

Hiệp hội nuôi chim yến ở Khánh Hòa, Phú Yên và các tỉnh Nam Bộ từng khẩn thiết đề nghị ngành chức năng can thiệp và có biện pháp xử phạt thích đáng với những người bắt chim yến theo cách này vì nó ảnh hưởng rất lớn do số lượng yến ngày một hao hụt.

Một hình thức khác, đó là người bắt chim dùng hai mảnh lưới bề ngang chừng một mét, dài 2,5 mét, buộc vào một sợi dây nối với chiếc cọc cố định. Chim mồi được xỏ một sợi dây vào lỗ mũi rồi đóng vào cây cọc cố định để khi bay lên thì bị giật cục lại như kiểu mổ thóc.

Một ít thóc hoặc rạ vừa gặt được rải lên giữa hai tấm lưới nơi có chim mồi. Lũ chim thấy “đồng đội” mình “mổ thóc” là sà theo ngay. Người bắt chim giật dây để hai tấm lưới ập vào, lũ chim nằm gọn trong lưới.

Chỉ bắt chim theo kiểu tận diệt như trên thì mới đủ số lượng cung cấp cho các “đơn” đặt hàng trong ngày Lễ Vu lan.

Dạo một vòng trước cổng ngõ các chùa những ngày này sẽ thấy những người bán chim “phóng sinh” bày bán công khai, mời chào đon đả mà không ngại ngần gì. Những chú chim bị nhốt trong lồng nhiều ngày, trông xơ xác đến là tội nghiệp. Nhiều con khi được “phóng sinh” thì không bay lên được nữa nên không có khả năng trở lại với bầu trời quen thuộc. Sinh đâu chả thấy chỉ thấy sau khi “phóng” là chim chết luôn!

Phóng sinh là một tập tục của nhiều người Việt, được thực hiện trong dịp, nhất là Lễ Vu lan. Tập tục này không xấu nhưng với điều kiện là, loài chim hay thú đang bị người khác giam cầm ở đâu đó cần được “phóng sinh”.

Người có nhu cầu phóng sinh cho loài vật thì phải cất công lùng sục tìm mua để “giải phóng” cho chúng chứ không phải “đặt hàng” như ta vẫn thấy hiện nay. Một khi đã “đặt hàng” như thế, khác nào đang khuyến khích tận diệt chim muông. Ý nghĩa của việc phóng sinh, do đó không còn linh thiêng gì nữa.

Sự thiêng liêng, thành kính chỉ có ý nghĩa khi phải được hiểu cặn kẽ tận ngọn nguồn, bằng không thì niềm tin vào sự thiện lành chỉ là những vá víu được khoác áo từ bi mà thôi.

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoac-ao-tu-bi-post652408.html