Khoác 'tấm áo' pháp lý mới cho hộ kinh doanh
Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi, hộ kinh doanh (HKD) là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình DN khác.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp
Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 đã đặt mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động đến năm 2020. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng số DN thực tế đang hoạt động tính đến thời điểm 31/12/2015 là 442.485 DN. Năm 2016, năm ban hành Nghị quyết 35/CP, số DN thành lập mới tăng kỷ lục với 110.100 DN, tăng 16,2% so với năm 2015. Với tốc độ đó, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng con số 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 là trong tầm tay, chưa kể một số lượng lớn HKD được kỳ vọng sẽ chuyển lên DN, góp phần “lấp đầy” mục tiêu này.
Theo Sách trắng DN Việt Nam 2019, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 DN đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017. Như vậy để đạt mục tiêu 2020 có 1 triệu DN hoạt động thì cả nước phải phấn đấu có thêm gần 300.000 DN hoạt động (khoảng 450.000 DN đăng ký) trong 2 năm 2019 và 2020. Đây là mục tiêu không dễ khi năm 2016, năm mà DN thành lập mới đạt con số kỷ lục mới được hơn 110.000 DN. Còn lực lượng được kỳ vọng bổ sung cho số DN ngoài thành lập mới là từ HKD chuyển lên DN hầu như không có con số thống kê.
Có nhiều lý do khiến HKD không mặn mà với việc chuyển đổi dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi như: Được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập DN; Miễn phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm…
Trao đổi với PLVN, một số HKD làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết họ không có nhu cầu chuyển lên DN bởi họ chỉ kinh doanh quy mô nhỏ, không thuê lao động. Được biết, trong khi số lượng DN của làng nghề này đã giảm 30%, từ khoảng 300 DN năm 2016 đến nay chỉ còn khoảng hơn 200 DN thì hiện cả làng nghề vẫn có khoảng 3.000 HKD theo nghề truyền thống trong tổng số 3.700 hộ.
Hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp
“Rõ ràng chúng ta không thể xóa bỏ HKD, không thể ép buộc HKD chuyển đổi thành DN, bởi về bản chất HKD cá thể chính là một loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ…”- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Theo Chủ tịch VCCI, đang có sự bất hợp lý trong đối xử với HKD. Đó là, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm DN tư nhân và HKD) đóng góp tới 40% GDP, nhưng trên 700 ngàn DN thuộc khu vực DN tư nhân chính thức đóng góp chỉ vẻn vẹn 10% cho GDP, còn lại hơn 30% GDP là thuộc về trên 5 triệu HKD đang hoạt động, trong đó có 2 triệu HKD có đăng ký.
“Đây là một nghịch lý lớn. Không có một nền kinh tế thị trường nào có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy. Về bản chất thì HKD cá thể chính là một loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý, nên với bên ngoài, HKD bị hạn chế về quyền kinh doanh… Trong quan hệ nội bộ thì HKD đang thiếu vắng một khung khổ quản trị có hiệu quả và không rõ ràng về trách nhiệm của các cá nhân tham gia. Quản lý Nhà nước đối với HKD thiếu minh bạch, HKD không được thúc đẩy và hỗ trợ để lớn lên. Hoạt động kinh doanh của HKD đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt…”- ông Lộc phát biểu trên diễn đàn Quốc hội.
Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch VCCI quả quyết: “Cần khoác “tấm áo” pháp lý mới cho HKD: Đưa HKD vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của HKD với các loại hình DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của HKD trong nền kinh tế nước ta và cũng là để bảo đảm thực thi một nguyên tắc nền tảng trong Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân và tổ chức phải được quy định trong văn bản luật chứ không phải chỉ ở cấp thông tư, nghị định như tình trạng của HKD hiện nay!”.
Được biết, dự thảo Luật DN (sửa đổi) đang trình Quốc hội đã bổ sung 1 chương về HKD, trong đó tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của HKD là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính HKD phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức HKD.
Dự thảo cũng quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của HKD phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự (HKD do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với HKD (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động); bổ sung quy định về chuyển đổi HKD thành DN nhằm khuyến khích HKD chuyển đổi thành công ty…
“Quan trọng là tạo cơ hội cho hộ kinh doanh phát triển …”
Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tác giả chính của Luật DN (sửa đổi) lần này cho biết, theo điều tra hàng năm của VCCI về PCI có khoảng 17-18% DN đang hoạt động cho biết trước đây họ đã từng là HKD. Theo ông, đây là quá trình phát triển tự nhiên và cũng có rất nhiều HKD không muốn chuyển thành DN dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Ông Hiếu cũng chia sẻ rằng, thực tế ông cũng ghi nhận một số HKD đã chuyển lên thành DN nhưng rồi lại chuyển về HKD, đồng thời cũng có rất nhiều nhà kinh doanh lại duy trì cả hai mô hình DN và HKD.
“Không nên đặt vấn đề HKD chuyển lên DN mà chúng ta nên ứng xử thế nào với HKD để giúp họ kinh doanh một cách chuyên nghiệp, bình đẳng với các loại hình DN và tạo cơ hội để HKD phát triển mới là vấn đề quan trọng...”- ông Hiếu nhấn mạnh và kỳ vọng sửa đổi Luật DN lần này sẽ tạo ra một cú hích cho cộng đồng DN nói chung, trong đó bao gồm HKD…