Khoản chi ủng hộ địa phương có được trừ khi tính thuế?
Theo phản ánh của Công ty Phạm Thăng Long, trong hoạt động khai thác khoáng sản, Công ty phát sinh chi phí thường xuyên gồm đóng góp hỗ trợ ngân sách địa phương và khoản chi phí hỗ trợ cho địa phương sửa chữa đường giao thông hư hỏng do ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản.
Các khoản chi phí này đều có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, Công ty đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh và trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp TNDN). Tuy nhiên không được phía cơ quan thuế địa phương chấp nhận.
Theo hướng dẫn của Cục Thuế thì khoản chi phí đóng góp và hỗ trợ nêu trên là khoản chi phí tài trợ nên không tính vào chi phí khi tính thuế TNDN. Không đồng ý với nội dung trả lời của Cục Thuế, Công ty hỏi, khoản chi phí đóng góp và hỗ trợ có tính bắt buộc và trách nhiệm đối với địa phương nơi có mỏ khai thác cát khoáng sản nêu trên có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế?
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Quy định pháp luật về khoáng sản
Tại Khoản 2.a, Điều 5 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010 quy định:
“2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm:
a) Hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật”;
Tại Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định:
“Điều 16. Quyền lợi của người dân nơi có khoáng sản được khai thác
…3. Chi phí hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được hạch toán vào chi phí sản xuất”.
Theo các quy định nêu trên thì khoản chi đóng góp và ủng hộ địa phương nơi có khoáng sản được hạch toán vào chi phí sản xuất.
Quy định pháp luật về thuế
Tại Khoản 1 và Điểm n, Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ (được sửa đổi bổ sung tại Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 1/10/2014 của Chính phủ) quy định:
“Điều 9. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi quy định tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản chi sau:
b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
c) Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các khoản chi của doanh nghiệp cho việc: Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nơi làm việc, hỗ trợ phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này; cho việc thu mua hàng hóa, dịch vụ được lập Bảng kê quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp thanh toán theo hợp đồng mà thời điểm thanh toán khác với thời điểm ghi nhận chi phí theo quy định và các khoản chi không phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác.
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, một số trường hợp về khoản chi không được trừ được quy định như sau:
…n) Khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà cho người nghèo, các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật, khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì khoản chi đóng góp và ủng hộ địa phương nơi có khoáng sản được khai thác không đáp ứng điều kiện để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.