Khoảng 1.000 mẫu hài cốt liệt sĩ đã được giám định bằng công nghệ phân tích ADN ngay tại Việt Nam
Từ tháng 8/2019 đến nay, mỗi tháng có trên 200 mẫu được đưa vào thực hiện xét nghiệm tại Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), tỷ lệ giám định mẫu thành công tăng và phần nào đáp ứng yêu cầu của nhân dân và kỳ vọng của Chính phủ.
Hiệu quả giám định như vậy là minh chứng bước đầu cho thấy việc bình chọn sự kiện Trung tâm giám định ADN tại Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam chính thức hoạt động lọt top 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2019 là hoàn toàn thuyết phục.
Hoạt động do Câu lạc bộ Nhà báo KHCN Việt Nam tổ chức, bình chọn sự kiện trên các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế và vừa công bố chiều nay (26/12). Đây là năm thứ 14 sự kiện bình chọn nói trên được Câu lạc bộ Nhà báo KHCN Việt Nam tổ chức.
Theo các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực KHCN, sự kiện đưa Trung tâm giám định ADN đi vào hoạt động ngày 25/07/2019, đúng vào dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc góp phần thực hiện hiệu quả công tác giám định hài cốt liệt sĩ, tri ân gia đình liệt sĩ có công với cách mạng.
Hiện tại Trung tâm đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lớn tại Hoa Kỳ như dự án USAID hỗ trợ cung cấp và nâng cao năng lực kỹ thuật để sử dụng thông tin ADN nhằm phân tích và xác định danh tích hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Các tổ chức nước ngoài như Ủy ban quốc tế về người mất tích (ICMP), Phòng thí nghiệm nhận dạng ADN của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ (AFDIL) và Tập đoàn QIAGEN (Đức) cùng song hành góp phần hiện đại hóa công nghệ giám định với những mẫu khó tại Việt Nam.
Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Ảnh: VGP
Cùng với đó, sự kiện khai trương Trục liên thông văn bản Quốc gia và Cổng dịch vụ công được bình chọn là sự kiện tiêu biểu trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng.
Là nền tảng tích hợp, chia sẻ, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, Trục liên thông văn bản Quốc gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Đây là nền tảng cho vấn đề kết nối, chia sẻ, là một trong bước đi của quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số; tạo ra môi trường điện tử thông suốt từ Trung ương tới địa phương, gửi và nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước.
Hiện đã có 95/95 các cơ quan, bộ, ngành, địa phương kết nối với trục liên thông văn bản Quốc gia do VNPT xây dựng. Các phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước. Với những tính năng nổi trội và hiệu quả trong ứng dụng thực tế, Trục liên thông văn bản Quốc gia vừa được vinh danh hạng mục Giải Vàng danh giá trong khuôn khổ Giải thưởng Kinh doanh quốc tế Stevie Awards 2019.
Ông Hà Thái Bảo - Phó TGĐ VNPT - IT (người thứ hai, trái sang) cùng các đại diện nhận kỷ niệm chương của Câu lạc bộ Nhà báo KHCN Việt Nam
Chính thức được vận hành từ ngày 09/12/2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; hướng tới nâng cao sự phục vụ của nhà nước với người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn; thúc đẩy cải cách hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên hiệp quốc.
Theo tính toán chỉ riêng với những dịch vụ đang được triển khai, Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Là đơn vị phát triển và vận hành hệ thống kỹ thuật Cổng dịch vụ công Quốc gia, VNPT đã bố trí hệ thống hiện đại trên hạ tầng VNPT-IDC: Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3 kết nối 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam; thực hiện công tác giám sát 24/7; huy động nguồn lực là các chuyên gia về an toàn thông tin ứng trực trong việc giám sát đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống.