Khoảng 1/5 người Mỹ mất người thân do đại dịch Covid-19

Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề cộng đồng Associated Press-NORC (AP-NORC, Mỹ) vừa công bố kết quả khảo sát cho thấy khoảng 1/5 người Mỹ chia sẻ họ đã mất người thân hoặc bạn thân do đại dịch Covid-19.

Theo AP-NORC, cứ 5 người Mỹ thì có 1 người mất người thân hoặc bạn bè trong đại dịch Covid-19. (Nguồn: AFP)

Theo AP-NORC, cứ 5 người Mỹ thì có 1 người mất người thân hoặc bạn bè trong đại dịch Covid-19. (Nguồn: AFP)

Bà Nettie Parks (60 tuổi), sống ở hạt Volusia (bang Florida), có anh trai duy nhất đã qua đời vì Covid-19 vào tháng 4/2020.

Do lệnh hạn chế đi lại để phòng chống dịch bệnh lây lan, bà Parks và 5 chị em gái thậm chí vẫn chưa tổ chức lễ tưởng niệm cho người anh đã mất. "Chúng tôi không có cơ hội để đau buồn. Chuyện đó giống như mới xảy ra ngày hôm qua", bà Parks buồn bã chia sẻ.

Bà Parks cho biết, năm ngoái bà đã xin nghỉ việc do lo lắng về môi trường làm việc buộc phải giao tiếp nhiều với khách hàng. Bà cũng lo ngại việc ngày càng có nhiều bang và thành phố tại Mỹ nới lỏng các quy định về phòng chống dịch trong khi số ca bệnh vẫn không ngừng gia tăng.

Trái ngược với sự lo sợ của bà Parks, chỉ khoảng 3/10 người Mỹ rất lo lắng về việc bản thân hoặc một thành viên trong gia đình bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Phần lớn số người được hỏi đều không tỏ ra lo lắng.

“Người dân Mỹ đang mất cảnh giác và họ không nên như vậy. Đại dịch vẫn chưa kết thúc”, bà Parks nói.

Tại Mỹ, số người tử vong do đại dịch Covid-19 đã lên đến hơn 545.000 và đang tiếp tục tăng lên.

“Thật khó để đưa ra khái niệm về mối nguy hiểm thực sự nếu bạn không hiểu về nó”, Tiến sĩ K. Luan Phan, Trưởng khoa Tâm thần học tại Trung tâm Y tế Wexner (Đại học bang Ohio) nhận định.

Theo ông K. Luan Phan, nếu không trực tiếp trải qua nỗi đau mất người thân vì đại dịch, ngay cả với những người dân thường xuyên chú ý đến lời tuyên truyền của các quan chức y tế như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn thì “nỗi sợ hãi của họ sẽ có xu hướng biến mất”.

Kết quả nghiên cứu của AP-NORC còn cho thấy, cộng đồng da màu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Khoảng 30% người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha cho biết một người thân hoặc bạn thân đã qua đời vì Covid-19, tỷ lệ này ở người Mỹ da trắng là 15%.

Kết quả nghiên cứu đã khiến mức độ quan tâm, lo lắng về đại dịch của cộng đồng da màu tại Mỹ cũng có xu hướng tăng lên. Mặc dù số ca mắc bệnh đã giảm trong thời gian gần đây, 43% người Mỹ gốc Phi và 39% người gốc Tây Ban Nha cho biết, họ cảm thấy đặc biệt lo lắng về việc bản thân hoặc người thân có thể nhiễm Covid-19, so với chỉ 25% ở cộng đồng người Mỹ da trắng.

Dù vaccine được coi là niềm hy vọng giúp chấm dứt đại dịch, thì kết quả thăm dò lại cho thấy, cứ 3 người Mỹ thì có 1 người không có ý định tiêm phòng. Những người thờ ơ với vaccine phần đông là trẻ tuổi.

Việc tiếp cận vaccine tại Mỹ trên thực tế không hề dễ dàng. Khảo sát cũng cho thấy, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhiều hơn nhưng cộng đồng da màu tại Mỹ lại gặp khó khăn hơn khi tiếp cận vaccine. Chỉ 16% người Mỹ gốc Phi và 15% người gốc Tây Ban Nha được tiêm phòng, trong khi tỷ lệ này ở người Mỹ da trắng là 26%.

Khoảng 4/10 người dân Mỹ, đặc biệt là những người lớn tuổi cho biết họ không thể tiếp cận đăng ký tiêm phòng vaccine do quá trình đăng ký không thuận lợi.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những khác biệt trong cách tuyên truyền về đại dịch giữa các đảng chính trị Mỹ.

Trong khi 60% thành viên đảng Dân chủ nói rằng người dân Mỹ đã không phản ứng nghiêm túc với các mối đe dọa từ dịch bệnh và thậm chí hơn 83% cho rằng nước Mỹ đang thực hiện không tốt các biện pháp phòng chống dịch.

Trong khi đó, 1/3 thành viên của đảng Cộng hòa lại cho rằng nước Mỹ đang lo lắng thái quá về đại dịch.

(theo AP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khoang-15-nguoi-my-mat-nguoi-than-do-dai-dich-covid-19-139238.html