Khoảng 10 giờ sáng mai, bão số 3 đổ bộ Hải Phòng đến bắc Thanh Hóa
Theo ông Mai Văn Khiêm, khoảng trưa đến chiều mai (22-7) vùng tâm bão số 3 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến bắc Thanh Hóa.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 19 giờ, vị trí tâm bão số 3 đang ở khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 108.5 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 86 km, cách Hải Phòng khoảng 210 km về phía Đông, cách Hưng Yên khoảng 230 km, cách Ninh Bình khoảng 257 km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 9-10 (75-102 km/h), giật cấp 13. Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa đã có mưa to đến rất to.
Hoàn lưu bão gây gió mạnh nhiều địa phương
Trước đó, tại buổi cung cấp thông tin về dự báo diễn biến, tác động của bão số 3, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thông tin hoàn lưu của bão số 3 đã gây gió mạnh ở nhiều địa phương.
Tại Quảng Ninh, các khu vực Uông Bí, Móng Cái đã có gió giật cấp 7; Bãi Cháy gió giật cấp 6; Cô Tô gió mạnh cấp 6, gió giật cấp 7. Tại Hải Phòng: Đặc khu Bạch Long Vỹ gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng cao nhất 1,7 m; Phủ Liễn gió mạnh cấp 5, giật cấp 7.
Tại Hưng Yên: Gió tại trạm thủy văn Ba Lạt mạnh cấp 6. Mưa phổ biến 40-50mm, và vẫn đang có mưa vừa, một số nơi mưa to…

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Từ ngày 20-7 đến chiều tối nay, ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, như trạm Long Dinh (Quảng Ninh) 131.4 mm, trạm Cẩm Phả (Quảng Ninh) 130.8 mm, trạm Thanh Mai (Nghệ An) 104.4 mm, trạm Cát Bà (Hải Phòng) 89.4 mm...
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ở đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đặc khu Cô Tô và Cát Bà (đặc khu Cát Hải) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Theo ông Mai Văn Khiêm, dự báo khoảng trưa đến chiều mai (22-7) vùng tâm bão số 3 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực ven biển Hải Phòng, ven biển Hưng Yên (Thái Bình cũ) có gió cấp 9-10, giật cấp 13-14; ven biển Ninh Bình có gió cấp 8-9, giật cấp 13; tại Hà Nội, trưa và chiều 22-7 có gió mạnh cấp 5-6, giật 7-8.
Dự báo mưa to diện rộng từ nay tối và đêm nay đến sáng 23-7, trọng tâm là Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 200-350 mm, cục bộ có nơi trên 600 mm.
Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm.
Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150 mm/3 giờ). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Quảng Ninh thuộc vùng nguy hiểm
Ông Mai Văn Khiêm cho hay cơn bão số 3 có hoàn lưu rất rộng. “Hôm qua khi chưa vào Vịnh Bắc Bộ thì từ chiều tối, gần như toàn bộ khu vực Vịnh Bắc Bộ đều đã có mưa. Mưa diễn ra liên tục cả đêm, mưa cả trên đất liền, khu vực ven biển đất liền, trong đó có Hà Nội. Từ trưa nay, mức độ tác động của bão tăng dần” – ông Khiêm nói.
Về nguy hiểm do bão gây ra, ông Khiêm đánh giá khu vực chịu ảnh hưởng nguy hiểm đầu tiên là Quảng Ninh và khu vực Đông Bắc. Khu vực này, từ trưa cho đến chiều nay đã có mưa tương đối lớn. Một số điểm mưa có lượng mưa đến 175 mm, có nơi đến gần 200 mm. Mưa có thể kéo dài đến chiều tối mai, sau đó giảm dần.
Một số trạm đã quan trắc được gió mạnh. Mặc dù đảo Bạch Long Vĩ còn cách tâm bão khoảng 130 km về phía Đông Đông Bắc nhưng chiều nay đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9. Với xu hướng bão di chuyển như hiện tai, nhiều khả năng trong đêm nay cho đến rạng sáng mai, khu vực Bạch Long Vĩ sẽ chịu tác động gió bão mạnh hơn, có thể lên đến cấp 9, cấp 10, thậm chí là cấp 11. Do vậy cần hết sức là chú ý.
Ngoài ra, từ giờ đến sáng sớm mai, vùng biển ven bờ Quảng Ninh có thể có gió mạnh lên đến cấp 9, cấp 10. Vùng đất liền ven biển Quảng Ninh có thể có gió cấp 7, 8.
Từ đêm nay đến 9 giờ sáng mai, mưa bắt đầu tập trung nhiều ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
“Chúng tôi nhận định, bắt đầu từ đêm nay mưa sẽ tăng cường dần lên. Vùng tâm bão số 3 sẽ đi vào giữa khu vực Nam Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa. Thời gian bão vào khoảng từ 10 giờ trưa mai đến 15 giờ chiều mai” – theo ông Mai Văn Khiêm
Cùng thời điểm này, vùng ven biển đất liền các cái khu vực từ nam Hải Phòng cho đến bắc Thanh Hóa sẽ có gió mạnh, gió nguy hiểm nhất, với gió mạnh lên cấp 8, cấp 9, một số khu vực gần vùng tâm lên đến cấp 10 và giật cấp 13.
Riêng đối với khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, mưa tăng cường vào đêm nay và có thể kéo dài cho đến sáng 23-7 sau đó giảm dần vì hoàn lưu bão đã dịch chuyển sang phía khu vực Thượng Lào.
Hà Nội khả năng xuất hiện lũ
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Bộ, từ hôm nay (21-7) đến ngày 25-7, trên các sông ở khu vực Hà Nội có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5 đến 3,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có khả năng ở mức dưới báo động một; sông Đáy, các sông suối nhỏ, sông nội tỉnh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ... có khả năng ở mức báo động một đến trên báo động hai.
Các địa phương chịu ảnh hưởng lớn của mực nước các sông lên cao trong những ngày tới gồm xã Xuân Mai, xã Quảng Bị, xã Trần Phú, phường Chương Mỹ, xã Đan Phượng, xã Mỹ Đức, xã Thanh Oai, xã Hòa Xá, xã Vân Đình…
Mực nước sông lên cao có thể gây ngập úng, sạt lở tại các vùng trũng thấp, ven sông, các bãi nổi giữa sông, ven sông, các ngầm, tràn, cầu, cống, đường giao thông khu vực ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ, ảnh hưởng đến con người, một số khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa to với cường độ lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại một số khu đô thị, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội, với độ sâu ngập từ 0,2-0,5m, có nơi trên 0,5m; thời gian duy trì ngập từ 30-60 phút, có nơi thời gian ngập lâu hơn.