Khoảng 150 trận động đất xảy ra tại Kon Tum từ đầu năm đến nay

Viện Vật lý Địa cầu cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Kon Tum đã xảy ra khoảng 150 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5 độ richter, theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo Viện Vật lý Địa cầu, trận động đất gần đây nhất xảy ra vào khoảng 11:29 giờ trưa 31-7, tại Kon Plông, Kon Tum. Trận động đất có độ lớn 2.7 độ richter, tại vị trí có tọa độ 14.869 độ vĩ Bắc, 108.234 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Đại diện Viện Vật lý Địa cầu cho biết, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Kon Tum đã xảy ra khoảng 150 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5 độ richter. Riêng trong tháng 7, tính đến 11:29 giờ ngày 31-7, Kon Plông hứng chịu tổng cộng 73 trận động đất. Các trận động đất diễn ra không gây thiệt hại về người.

Trước đó, ngày 28-7, nơi đây đã xảy ra trận động đất mạnh nhất là 5.0 độ richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Trận động đất này đã gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, trong đó có nhiều ngôi nhà, công trình công cộng bị nứt tại khu vực gần tâm chấn.

Trận động đất xảy ra vào 11:35 giờ ngày 28-7, tại Kon Plông, Kon Tum. Vị trí xảy ra động đất ở tọa độ 14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông, mạnh 5.0 độ richter. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu

Trận động đất xảy ra vào 11:35 giờ ngày 28-7, tại Kon Plông, Kon Tum. Vị trí xảy ra động đất ở tọa độ 14.827 độ vĩ Bắc, 108.245 độ kinh Đông, mạnh 5.0 độ richter. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu

Số liệu lưu trữ của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, từ năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 30 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9 độ Richter. Từ tháng 4-2021 đến nay, tại khu vực huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất kích thích, tình trạng động đất diễn ra thường xuyên hơn. Tuy nhiên, trong một ngày xảy ra trên 20 trận động đất như ngày 28-7 và 29-7 vừa qua là chưa từng có.

Đại diện Viện Vật lý Địa cầu cũng cho biết, động đất thường xảy ra theo chuỗi. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập. Trước và sau một trận động đất lớn thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.

Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng, huyện Kon Plông, Kon Tum. Ảnh minh họa: Đô Đô

Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng, huyện Kon Plông, Kon Tum. Ảnh minh họa: Đô Đô

Theo dự báo, hoạt động động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, tuy nhiên có độ lớn không quá 5,5 độ richter. Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực.

Trước việc liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, Kon Tum, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Công điện số 73/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn này.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Báo điện tử Chính Phủ, Viện Vật lý Địa cầu

Ngọc Khuyến

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/khoang-150-tran-dong-dat-xay-ra-tai-kon-tum-tu-dau-nam-den-nay/