Khoảng 242 triệu ha đất canh tác trên thế giới bị ô nhiễm kim loại độc hại

Các nhà khoa học vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo về các chất như asen và chì làm ô nhiễm đất và xâm nhập vào các hệ thống thực phẩm, với ước tính khoảng 1/6 đất canh tác trên toàn cầu bị ô nhiễm kim loại nặng độc hại, và lên đến 1,4 tỷ người sống ở các khu vực có nguy cơ cao trên toàn thế giới.

 Ô nhiễm kim loại độc hại có thể tồn tại trong suốt nhiều thập kỷ. Ảnh minh họa: Reuters

Ô nhiễm kim loại độc hại có thể tồn tại trong suốt nhiều thập kỷ. Ảnh minh họa: Reuters

Khoảng 14 - 17% đất canh tác trên toàn cầu, tương đương khoảng 242 triệu ha đất canh tác bị ô nhiễm bởi ít nhất một kim loại độc hại như asen, cadmium, coban, crom, đồng, niken hoặc chì, ở mức vượt quá ngưỡng an toàn cho sức khỏe con người và nông nghiệp.

Được biết, phân tích nói trên đã thu thập dữ liệu từ hơn 1.000 nghiên cứu cấp khu vực trên toàn cầu, cũng như sử dụng công nghệ máy học (machine learning).

Bà Liz Rylott, giảng viên cao cấp tại Khoa Sinh học thuộc Đại học York (Vương quốc Anh) cho biết: “Những phát hiện này cho thấy mức độ đáng lo ngại sâu sắc mà các chất độc tự nhiên này đang gây ô nhiễm đất, xâm nhập vào thực phẩm và nước, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường của chúng ta”.

Thường được gọi chung là kim loại nặng, các nguyên tố này gây ra một loạt những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tổn thương da, suy giảm chức năng thần kinh, chức năng của các cơ quan khác, và ung thư.

Ô nhiễm kim loại độc hại trong đất bắt nguồn từ cả hoạt động tự nhiên và hoạt động của con người. Đất bị ô nhiễm gây ra những rủi ro đáng kể cho hệ sinh thái và sức khỏe con người, cũng như làm giảm năng suất cây trồng, gây nguy hiểm cho chất lượng nước và an toàn thực phẩm do sự tích tụ sinh học ở động vật trang trại. Ô nhiễm kim loại độc hại có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ một khi ô nhiễm đã xâm nhập vào đất.

Bên cạnh đó, bằng cách kết hợp dữ liệu trong nghiên cứu với phân bố dân số toàn cầu, các nhà nghiên cứu ước tính, có từ 900 triệu - 1,4 tỷ người sống ở các khu vực có nguy cơ cao trên toàn thế giới.

Đáng chú ý, cadmium được phát hiện là kim loại độc hại phổ biến nhất và đặc biệt phổ biến ở Nam và Đông Á, một số vùng ở Trung Đông và châu Phi. “Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia sẽ cần hợp tác với nhau. Phần lớn tình trạng ô nhiễm xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói. Trong khi đó, tác động của những loại cây trồng bị ô nhiễm xâm nhập vào mạng lưới thực phẩm toàn cầu vẫn chưa rõ ràng”, bà Liz Rylott nói thêm.

Cùng chung quan điểm này, ông Jagannath Biswakarma, nhà nghiên cứu cao cấp tại Khoa Khoa học Trái đất và Viện Môi trường Cabot, Đại học Bristol (Vương quốc Anh) cho rằng, cần những đánh giá đáng tin cậy về đất và nước ngầm bị ô nhiễm, đặc biệt là trong các hệ thống canh tác dễ bị tổn thương và nông hộ nhỏ. Việc giảm thiểu phơi nhiễm đòi hỏi phải có đầu vào nông nghiệp sạch hơn, cải thiện hệ thống tưới tiêu và quản lý tốt hơn các khu công nghiệp cũ. Điều quan trọng không kém là trao quyền cho cộng đồng tiếp cận thông tin và các công cụ giúp họ canh tác an toàn.

THANH NGÂN (Lược dịch từ The Guardian & The Conversation)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/khoang-242-trieu-ha-dat-canh-tac-tren-the-gioi-bi-o-nhiem-kim-loai-doc-hai-152739.html