Khoảng 7 triệu người mắc tiểu đường nhưng số bệnh nhân được phát hiện và điều trị còn thấp
Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường nhưng số người được phát hiện, điều trị còn thấp; trong khi đó, biến chứng của bệnh ngày càng nguy hiểm.
Cùng với bệnh tiểu đường, nhiều bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Ước tính mỗi năm tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính..
Đáng lo ngại, biến chứng của những bệnh này ngày càng nguy hiểm. Điển hình là bệnh tiểu đường. Thế giới đang lo ngại về bệnh võng mạc đái tháo đường chiếm 50 - 60% trên bệnh nhân tiểu đường thể 2 và 90% trên bệnh nhân tiểu đường thể 1.
Giới chuyên gia cảnh báo, bệnh võng mạc đái tháo đường đang ảnh hưởng đến 103 triệu dân trên thế giới, ước tính sẽ ảnh hưởng đến 161 triệu dân vào năm 2045, gây ra những gánh nặng to lớn đến kinh tế - xã hội do tác động chính đến nhóm dân số trong độ tuổi lao động.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 7 triệu người mắc tiểu đường, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, dự báo đến năm 2045, số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới khoảng 783 triệu, ở Việt Nam dự kiến là 7,9 triệu người.
Ngoài ra, tất cả bệnh không lây nhiễm đều gia tăng nhanh chóng những năm gần đây nhưng chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị.
Trước thực trạng đáng lo ngại, Bộ Y tế vừa phê duyệt Đề án dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2024 - 2025.
Đề án nhằm tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản (gọi tắt là bệnh không lây nhiễm) và rối loạn sức khỏe tâm thần nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân... Đồng thời phát triển, nâng cao năng lực hệ thống giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ.
Theo Bộ Y tế, để đạt được các mục tiêu trên cần tổ chức cung cấp dịch vụ khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe, đo các chỉ số và thực hiện nghiệm pháp phù hợp để phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, bao gồm: Phát hiện sớm tăng huyết áp, bệnh tim mạch; phát hiện sớm đái tháo đường; phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; phát hiện sớm ung thư, tập trung sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và một số bệnh ung thư phổ biến khác; phát hiện sớm tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và một số rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến khác.
Đối tượng là người dân mọi độ tuổi, ưu tiên người từ 40 tuổi trở lên và người có nguy cơ cao mắc bệnh (xác định tùy theo từng bệnh).
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể dự phòng được nếu như mọi người chú ý và quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn hàng ngày, thường xuyên tăng cường hoạt động thể lực.