Khoảng cách còn khá xa...

Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Nhu cầu về nhà ở xã hội là có thực và cũng đã có nhiều chính sách được ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu này nhưng thực tế, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp còn rất hạn chế. Cụ thể, theo báo cáo năm 2022 của Bộ Xây dựng, tổng số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã khởi công là 19 dự án với tổng số khoảng 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1,8 triệu m2.

Cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Số dự án đang tiếp tục triển khai là 401 dự án, quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Như vậy, điều dễ nhận thấy là so với yêu cầu đến năm 2030 ngành xây dựng phải hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp - đang là thách thức rất lớn. Vậy nên để phát triển mạnh loại hình nhà ở này, điều quan trọng là phải xóa bỏ được các rào cản đã được nêu ra trong một Tờ trình của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Nhà ở.

Cụ thể, rào cản đầu tiên là việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị cũng như chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; điều kiện kinh tế, địa lý của từng vùng, miền, địa phương và nhu cầu nhà ở thực tế của người dân.
Tiếp đó là Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức kinh tế nước ngoài, quỹ đầu tư phát triển địa phương tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Một số quy định về hình thức phát triển nhà ở chưa đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung thời gian qua… Quy định về điều kiện lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản... dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương bị ách tắc, kéo dài. Các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng chưa đủ khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chưa thống nhất với pháp luật về thuế, đầu tư, đầu tư công...

Bên cạnh đó, còn có các rào cản khác như quy định dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng quỹ nhà ở xã hội để cho thuê để trống, lãng phí, trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn. Giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội cũng chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% đã làm nản lòng các chủ đầu tư...

Đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là đòi hỏi chính đáng. Tuy nhiên, giữa thực tế thực hiện và mục tiêu, yêu cầu khoảng cách còn khá xa. Vậy nên, vấn đề tiên quyết, ngoài việc phải xác định được các rào cản, phải có giải pháp tháo gỡ kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội thì để phát triển nhà ở xã hội đạt yêu cầu, cần định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/khoang-cach-con-kha-xa-i330509/