Khoảng cách của đạo hiếu

Đại dịch không chỉ đẩy con người đến bờ vực khủng hoảng sức khỏe, thiệt hại sinh mạng, mà còn khiến con người bối rối trước những tình huống hết sức khó xử, chưa có tiền lệ.

Con người loay hoay kiếm tìm những cách thế chẳng đặng đừng để chu toàn phận sự, làm tròn bổn phận với người thân trong những cảnh huống đầy nghiệt ngã...

Cảnh một người đàn ông khắc khổ trong khu cách ly ở Đà Nẵng lập bàn thờ chịu tang cha khiến nhiều người rơi nước mắt. Những nén nhang nghi ngút khói trước chiếc bàn thờ không di ảnh giữa khoảng sân nhỏ của khu cách ly là những gì mà ông có thể làm được để bày tỏ đạo hiếu trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

Anh Hà Văn D. (huyện Anh Sơn, Nghệ An) lập bàn thờ vọng, để tang cha trong khu cách ly Ảnh: Đ.Minh

Anh Hà Văn D. (huyện Anh Sơn, Nghệ An) lập bàn thờ vọng, để tang cha trong khu cách ly Ảnh: Đ.Minh

Mới đây, ở Nghệ An cũng có trường hợp tương tự. Một thanh niên từ Lào về đang chấp hành cách ly tập trung đã lập bàn thờ tạm để vọng về người cha không may qua đời trong thời kỳ đại dịch. Người thanh niên 24 tuổi nói về việc chỉ cách ngôi nhà mình 70 km nhưng không thể ở cạnh cha những ngày cuối đời, đại ý rằng vẫn biết nghĩa tử là nghĩa tận, muốn về quê nhìn cha lần cuối nhưng được cán bộ khu cách ly khuyên nên ở lại bởi mình có thể đang trong thời gian ủ bệnh, không may sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng nên anh đã quyết định chịu tang cha theo cách này.

Rồi chuyện một người chồng ở Gia Lai vừa đi lao động ở Campuchia trở về - đang trong thời gian cách ly - đã phải chịu tang vợ từ xa, cũng là tình cảnh khiến những ai nghe chuyện phải ngậm ngùi.

Cách ly, trong trách nhiệm với cộng đồng, mang theo đó là cả một sự hy sinh lớn lao trong đời sống tình cảm trước những biến cố đời sống khó lường. Không chỉ người cách ly phải đối diện với những tình thế nan giải mà chính những người tham gia vào việc chống dịch cũng phải chấp nhận những mất mát lớn lao trong đời sống tình cảm. Trường hợp của anh bộ đội biên phòng ở Đồn Biên phòng Thạnh Trị (An Giang) là một ví dụ. Chiếc bàn mà anh lính trẻ và đồng đội lập nên bên chốt biên phòng giữa rừng núi với hoa quả, nhang đèn "dã chiến" và hình ảnh người con mặc đồ quân nhân đứng vái lạy, vọng hương hồn người cha vừa khuất núi vì bạo bệnh nơi quê nhà khiến chúng ta nhìn rõ hơn khái niệm hy sinh, trách nhiệm với cộng đồng.

Dịch bệnh có thể sẽ còn phức tạp và chưa biết bao giờ kết thúc. Những câu chuyện đạo hiếu trong mùa dịch được viết bằng nước mắt và khắc khoải được kể sẽ đánh thức trong mỗi người những giá trị kết nối cá nhân với cộng đồng. Đành rằng không ai mong muốn những tình thế ngặt nghèo ấy diễn ra nhưng tất cả những cảnh huống đó chính là cuộc sống mà mỗi người đều có thể phải đối diện.

Nhiều đám cưới đã phải gác lại, nhiều hẹn hò đoàn tụ giữa những người ruột thịt đã không diễn ra theo đúng kế hoạch. Dịch bệnh đang lấy đi những gì tưởng chừng bình thường nhất của đời sống và đặt mỗi người vào những chọn lựa, ở đó - sự chủ động trở nên ít ỏi, thay vào đó là đòi hỏi đức hy sinh và phần nào là biết cam chịu, nương theo sự ngặt nghèo của hoàn cảnh.

Đứa con cô đơn khi thắp nén tâm hương lên bàn thờ người cha chỉ có thể tìm thấy chút an ủi rằng biết quý trọng và bảo vệ chính bản thân và tha nhân là điều mà đấng sinh thành mong muốn nơi mỗi người ruột thịt, thương yêu còn hiện hữu trên cõi đời này. Ở đó, sự thành tâm trong đạo hiếu đủ mạnh để vượt qua những quan ngại địa lý.

Nguyễn Tường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khoang-cach-cua-dao-hieu-20200407230114746.htm