Khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng nới rộng

Những con số ấn tượng trong bản báo cáo thường niên mà Oxfam công bố ngày 20-1, ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ cho thấy, khoảng cách giữa giới siêu giàu và phần còn lại của thế giới đã đạt kỷ lục khó có thể tưởng tượng được.

Tổng tài sản của nhóm 1%-những người giàu nhất trong số những người giàu trên thế giới, lớn gấp đôi tài sản của 6,9 tỷ người gộp lại. Của cải của tất cả phụ nữ ở châu Phi cũng không bằng tài sản của 22 người đàn ông giàu nhất thế giới. Đó là những con số cho thấy mức độ bất bình đẳng quá lớn về thu nhập xuất hiện trong báo cáo “Time to care” (Đến lúc phải quan tâm) của Tổ chức viện trợ Oxfam.

Báo cáo cho rằng, bất bình đẳng toàn cầu đang lan rộng và ăn sâu bám rễ một cách nghiêm trọng. Số lượng tỷ phú đã tăng gấp đôi trong thập kỷ vừa qua. Trong khi đó, khối tài sản khổng lồ mà 2.153 tỷ phú trên thế giới sở hữu thậm chí còn hơn cả tổng tài sản của 4,6 tỷ người, tương đương 60% dân số thế giới. Bản báo cáo dài 63 trang của Oxfam cũng cho rằng, các nhà lãnh đạo thế giới đã chưa đủ nỗ lực để giải quyết khoảng cách ngày càng nới rộng giữa người nghèo và người giàu. Trong năm 2019, các chính sách được đưa ra thậm chí còn tạo điều kiện hơn cho nam giới nắm giữ các vị trí cao nhất trong doanh nghiệp và chính phủ. Báo cáo lập luận rằng, bất bình đẳng kinh tế được xây dựng trên cơ sở của sự bất bình đẳng giới.

 Một phụ nữ Zimbabwe đang rửa bát và chăm sóc con cái. Ảnh: Oxfam.

Một phụ nữ Zimbabwe đang rửa bát và chăm sóc con cái. Ảnh: Oxfam.

Theo báo cáo này, phụ nữ và trẻ em gái là những người chịu thiệt thòi nhất. Họ đã bỏ ra tổng cộng 12,5 tỷ giờ mỗi ngày để làm những công việc chăm sóc không được trả thù lao hoặc trả thù lao thấp, trong khi công việc này có thể mang về ít nhất 10,8 nghìn tỷ USD mỗi năm cho kinh tế thế giới, gấp 3 lần giá trị của ngành công nghiệp kỹ thuật. “Phụ nữ và trẻ em gái nằm trong nhóm được hưởng lợi ít nhất từ hệ thống kinh tế hiện nay. Họ dành hàng tỷ giờ đồng hồ để nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc cho người già và trẻ em. Những công việc chăm sóc không lương này chính là động cơ ẩn giữ cho bánh xe nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội vận hành trơn tru. Phụ nữ-những người góp phần thúc đẩy nền kinh tế, lại là những người thường có rất ít thời gian dành cho việc học, ít cơ hội hưởng thụ một cuộc sống tử tế, hay ít có tiếng nói trong việc xây dựng xã hội, và do đó họ là những người bị mắc kẹt ở tận đáy nền kinh tế”, ông Amitabh Behar, Giám đốc điều hành Oxfam Ấn Độ khẳng định.

Phụ nữ đang đảm nhiệm hơn 3/4 tổng lượng công việc chăm sóc không lương. Họ thường phải cắt giảm giờ làm hoặc bỏ việc vì bị quá tải bởi công việc chăm sóc hằng ngày. Ước tính, trên toàn cầu có 42% phụ nữ ở độ tuổi lao động không thể có việc làm vì phải chịu toàn bộ trách nhiệm chăm sóc, so với chỉ 6% nam giới. Nữ giới cũng chiếm 2/3 lực lượng lao động chăm sóc có lương. Những công việc như người nuôi dạy trẻ, người giúp việc, phụ tá chăm sóc thường bị trả lương thấp, phúc lợi nhỏ giọt, bị ép buộc làm việc với giờ giấc thất thường và tiềm ẩn những tổn thất về thể xác và tinh thần.

Nhằm nêu bật mức độ bất bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu, ông Amitabh Behar viện dẫn trường hợp của một phụ nữ Ấn Độ tên là Buchu Devi. Người phụ nữ này đã dành 16-17 tiếng mỗi ngày để làm các công việc nhà thường ngày như đi bộ 3km lấy nước sinh hoạt, nấu ăn, chuẩn bị cho con đến trường và làm một công việc được trả lương thấp. Trong khi đó, các tỷ phú đang có mặt tại Davos là những người siêu giàu với máy bay riêng, đối lập hoàn toàn với hoàn cảnh của Buchu Devi. Ông Behar nhấn mạnh, Buchu Devi không phải là trường hợp duy nhất, đồng thời kêu gọi các chính phủ cần phải thay đổi điều này, bởi theo ông, giảm bất bình đẳng có tác động rất lớn đối với việc giảm nghèo. Các phân tích của Oxfam chỉ ra rằng, nếu giảm 1% bất bình đẳng thu nhập mỗi năm thì sẽ có khoảng 100 triệu người thoát nghèo vào năm 2030.

"Các chính phủ cần phải phải bảo đảm áp mức thuế hợp lý lên các doanh nghiệp và cá nhân giàu có và tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công”, ông Behar nói. Mức thuế mà Oxfam đề xuất tăng thêm là 0,5% đối với những người giàu nhất thế giới trong thập niên tới. Việc tăng 0,5% thuế đối với người giàu sẽ thu về số tiền đủ để tạo ra 117 triệu việc làm trong các lĩnh vực như giáo dục và y tế.

Ngoài ra, Oxfam cũng khuyến nghị các chính phủ cần ban hành các đạo luật để giảm bớt khối lượng công việc chăm sóc khổng lồ đặt nặng lên vai phụ nữ và bảo đảm rằng, những người đang đảm nhận các công việc quan trọng nhất trong xã hội như chăm lo cho cha mẹ, con cái và những người yếu thế nhất được hưởng một mức lương đủ sống. “Các chính phủ cần phải coi trọng và ưu tiên công việc chăm sóc như tất cả các nhóm nghề khác để tạo dựng nền kinh tế, vì con người đem lại lợi ích cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho thiểu số may mắn”, ông Behar nói.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/khoang-cach-giau-ngheo-dang-ngay-cang-noi-rong-608423