Khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con cái: Làm thế nào xóa bỏ 'đứt gãy vô hình'?
Giữa hai thế hệ bố mẹ - con cái tồn tại sự khác biệt về tư tưởng và nhận thức. Những xung đột thế hệ tạo ra một khoảng cách vô hình trong tình cảm trong gia đình, đôi khi còn gây ra những tổn thương không đáng có cho cả hai phía.
Trong 10 năm trở lại đây thì khoảng cách thế hệ trở nên gay gắt hơn bởi chịu nhiều tác động từ xã hội, giáo dục, công nghệ, nhất là từ Internet. Bất đồng quan điểm thế hệ đã gây ra những “đứt gãy vô hình” mà cần sự thấu hiểu đồng thời từ cả hai bên.
Đây cũng chính là nội dung được bàn đến trong Talkshow “Khoảng cách thế hệ và những đứt gãy vô hình” do Spiderum tổ chức với sự tham gia của các diễn giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông; Bà Hoàng Vân Anh - Giám đốc Giáo dục British Council Vietnam; Blogger Nguyễn Văn Đức, tác giả sách “Về nhà ăn cơm”; Trần Việt Anh - đại diện của cộng đồng Spiderum với đông đảo các bạn trẻ Việt.
Đơn giản là sự khác biệt chứ không có đúng – sai
Một thế hệ bố mẹ 5x, 6x từng trải qua thời kỳ kinh tế bao cấp khó khăn trước đây có một cách sống khác với những bạn trẻ được lớn lên trong môi trường hiện đại. Một thế hệ trẻ được hưởng nhiều lợi ích nhưng cũng chịu nhiều tác động.
Khi thấm thía về cuộc sống khó khăn trước đây, bố mẹ mong muốn thiết lập và đưa con vào vùng an toàn thì thế hệ con cái lại muốn bay ra khỏi vùng an toàn đó để tự đi tìm trải nghiệm của riêng mình.
“Gia đình tôi luôn có khoảng cách giữa hai thế hệ và nó hiện hữu trong cuộc tranh luận như cho con học trường nào hay các vấn đề về công việc. Cuối cùng thì bố mẹ vẫn thua hai cô con gái”, bà Hoàng Vân Anh chia sẻ.
Con muốn bỏ ngang để đi học nghệ thuật nhưng bố tin rằng nên tiếp tục học kinh tế, ai đúng ai sai? Con muốn nhuộm tóc một màu sành điệu nhưng mẹ bảo là như thế không hợp với gia cảnh nhà mình, ai đúng ai sai? “Bọn trẻ bây giờ khác lắm”…
Đức và Việt Anh đã gây shock cho bố mẹ khi tuyên bố không lập nghiệp theo chuyên ngành kinh tế 4 năm tại Ngoại thương mà quyết định đi theo đam mê là một Designer (nhà thiết kế). Quyết định bị bố mẹ phản đối kịch liệt rằng “Mày dại lắm con ạ” hay “Bố mẹ không hiểu con đang nghĩ gì mà làm như vậy”.
Cũng bởi vậy, Đức hay Việt Anh và rất nhiều bạn trẻ khác thường có nhận định về thế hệ bố mẹ mình bằng kết luận của sự bảo thủ, khó chia sẻ hay khó thấu hiểu. Thế nên nhiều người trẻ chọn cách sống độc lập, xa bố mẹ để “né” những “đứt gãy”. Sau cùng hai bạn trẻ đều chứng minh mình đúng bằng những thành công họ có được.
Ở trong vai trò một người làm cha mẹ thì nhà báo Phạm Trung Tuyến lại cho rằng, thực ra trong “cán cân tình cảm” này thì dường như mối quan hệ của bố mẹ với con cái lại dễ hơn của con cái đối với bố mẹ. Anh còn hồ nghi rằng liệu có hay không khoảng cách vô hình này.
“Hồi trẻ tôi thường chơi với người già, giờ già lại thích nói chuyện với người trẻ. Vậy thì thực ra có cái gọi là khoảng cách thế hệ không hay khoảng cách thế hệ chỉ là một cái cớ để chúng ta thoái thác việc cố gắng hiểu nhau”, nhà báo Phạm Trung Tuyến chia sẻ.
Tâm lý chung của thế hệ bố mẹ ở Việt Nam là luôn muốn bao bọc con cái, không muốn con cái vấp phải sai lầm mà họ từng trải qua trước đây. Tuy nhiên, không phải giá trị nào từ thời bố mẹ cũng áp đặt hoàn toàn đúng cho thế hệ con cái. Bởi theo quy luật phát triển của xã hội thì các bạn trẻ sẽ có môi trường mới với những trải nghiệm mới. Cho nên cái “đúng” của các bạn trẻ có thể khác với “đúng” của bố mẹ.
Như George Orwell, một nhà văn người Anh nói rằng “Mọi thế hệ luôn hình dung rằng mình khôn ngoan hơn thế hệ trước, và sáng suốt hơn thế hệ sau”.
Cần một mối quan hệ công bằng
Những xung đột thế hệ tạo ra khoảng cách vô hình trong tình cảm trong gia đình, đôi khi còn gây ra những tổn thương không đáng có cho cả hai phía. Trong mối quan hệ có khác biệt về quan điểm thì ai cũng muốn mình đúng càng làm cho những “đứt gãy” thêm sâu hơn.
Thế nên nhiều gia đình giải quyết bất đồng bằng một cuộc nói chuyện thẳng thắn để cùng lý trí hơn là chính là một lựa chọn tốt. Khi cả hai cùng ngồi lại chia sẻ quan điểm của mình sẽ cảm thấy không bị cô lập.
“Tôi nghĩ rằng cả cha mẹ và con cái cần bình tĩnh, nếu cần thay đổi thì cùng cố gắng thực hiện. Hãy nhìn nhận theo suy nghĩ của nhà làm chính sách là đánh giá tác động lựa chọn”, nhà báo Phạm Trung Tuyến chia sẻ.
Ngay như thế hệ bố mẹ có thể nhìn và học hỏi từ thế hệ trẻ thay vì áp đặt hoặc so sánh con cái. Còn với người trẻ sống vội vàng cần dành thời gian để hiểu được suy nghĩ của bố mẹ cũng như cho bố mẹ hiểu mình.
“Tôi sẵn sàng lùi một bước trong các cuộc tranh luận với con cái để giảm bớt vai trò của người mẹ, cố gắng trở thành người bạn tâm sự cùng các con và hỗ trợ chúng nếu được”, chị Hoàng Vân Anh chia sẻ.
Thay vì một “cuộc chiến tranh lạnh” trước quyết định của con cái, bố mẹ nên bình tĩnh cùng ngồi lại với con để hỏi chúng rằng điều đó có làm cuộc sống của chúng hạnh phúc không. Bởi suy cho cùng, hạnh phúc đến với con cái là mong ước của tất cả các ông bố bà mẹ.
Khi cùng lắng nghe nhau sẽ tạo ra một mối quan tâm chung của cả hai bên, chung câu hỏi, chung góc nhìn, chung cách ứng xử. Chính điều này xây nên chiếc cầu nối để gắn kết hai thế hệ lại với nhau.
Còn với người trẻ dường như có sự vô tâm khi khăng khăng với bố mẹ rằng quyết định, tư tưởng này của mình đúng nhưng không hề cho họ cơ hội được hiểu. Trong khi đó bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần có sự hiểu nhau.
“Hệ tư tưởng của thế hệ bố mẹ đã tồn tại cả chục năm, nếu chúng ta đột nhiên muốn bố mẹ thay đổi thì rất bất công cho họ. “Cuộc chiến” có thể dài ngắn nhưng cần nhất sự kiên nhẫn theo thời gian”, bạn trẻ Trần Việt Anh chia sẻ.
Cho bố mẹ hiểu con cái chính là xoa dịu nỗi sợ hãi của thế hệ bố mẹ trước cái mới của người trẻ. Cũng để xoa dịu nỗi sợ hãi đó thì theo các diễn giả, người trẻ nên tự trả tiền cho ước mơ của mình và trả lời bằng những thành công họ đạt được.
Nhìn chung, trong xã hội không chỉ tồn tại khoảng cách giữa hai thệ bố mẹ - con cái mà ngay cả trong từng thế hệ cũng mâu thuẫn với nhau. Điều quan trọng là cần các bên có một cái nhìn bao dung và không áp đặt với nhau thì mối “đứt gãy vô hình” không hề đáng sợ.