Khoảng lặng mùa tuyển dụng

Thông thường, sau Tết Nguyên đán là mùa cao điểm tuyển dụng nhưng năm nay, mọi thứ bình lặng ở cả hai phía người tìm việc và việc tìm người. Với doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng năm nay không nhiều do cơ hội kinh doanh đang hạn chế, nhiều hoạt động sản xuất ngưng trệ. Với người lao động, giữ được việc làm đã là một sự may mắn.

Người lao động ngồi chờ để nộp hồ sơ xin việc làm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Vision International ở Bình Dương. Ảnh: Minh Thảo

Người lao động ngồi chờ để nộp hồ sơ xin việc làm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Vision International ở Bình Dương. Ảnh: Minh Thảo

Những thời điểm kinh tế khó khăn chung thường được doanh nghiệp tận dụng để thanh lọc lại nguồn nhân lực. Doanh nghiệp là bên chủ động thanh lọc còn người lao động bị động hơn. Việc thanh lọc này nhân văn, tế nhị hay là một nỗi đau với cả hai phía, tùy thuộc vào cách ứng xử và văn hóa của doanh nghiệp. Bên cạnh việc thanh lọc nguồn nhân sự thông thường như chấm dứt quan hệ lao động còn có một công cụ thanh lọc từ bên trong là đào tạo kỹ năng. Đây chính là lúc phù hợp để đầu tư chất lượng nguồn nhân lực.

Trong “Báo cáo việc làm tương lai 2023” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF), nêu ra mười kỹ năng việc làm quan trọng cần có của người lao động, dự báo đến năm 2027 gồm: (1) tư duy phân tích; (2) tư duy sáng tạo; (3) AI và dữ liệu lớn; (4) lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội; (5) khả năng phục hồi, linh hoạt và nhanh nhẹn; (6) sự tò mò và học tập suốt đời; (7) đọc hiểu công nghệ; (8) thiết kế và trải nghiệm người dùng; (9) động lực và nhận thức bản thân; (10) thấu cảm và lắng nghe chủ động.

Mỗi doanh nghiệp có thể sẽ có những yêu cầu và thứ bậc khác nhau về các kỹ năng này nhưng xu hướng lao động của doanh nghiệp không thể tránh khỏi vòng xoáy của thị trường kinh tế và vòng quay xã hội. Những kỹ năng này có thể là một gợi ý để doanh nghiệp xây dựng lại tiêu chí người lao động trong bảng tuyển dụng nhân viên mới và cả với nhân viên hiện tại.

Theo Bộ luật Lao động, “đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động” là một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch hàng năm và dành kinh phí cho việc này. Đây cũng là một nội dung được thương lượng trong hợp đồng lao động.

Thực tế, đào tạo nhân sự đang được xem là một việc miễn cưỡng phải làm. Cả doanh nghiệp và người lao động chưa thực sự coi đây là một lợi ích cho đôi bên. Với sự hoán đổi thường xuyên của các kỹ năng qua từng năm theo báo cáo của WEF, người lao động và doanh nghiệp không thể mãi trì trệ trong đào tạo cập nhật, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân lực.

Doanh nghiệp không đổi mới thì đối thủ cạnh tranh đổi mới và giành mất thị phần. Đối tác cũng sẽ có những cải thiện khiến cho sự hợp tác trở nên lệch pha. Đặc biệt, lao động giỏi luôn cần một môi trường làm việc phát triển kỹ năng, bắt kịp xu thế mới. Vì vậy việc đào tạo kỹ năng mới hợp xu hướng sẽ là điều khó tránh khỏi nếu doanh nghiệp muốn giữ chân người giỏi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Người lao động đang tìm việc làm càng cần tự cập nhật kỹ năng cho bản thân trong giai đoạn này. Với thị trường lao động mở hiện nay, khái niệm “công việc ổn định” không còn phù hợp, thay vào đó là đủ kỹ năng có thể linh hoạt thích nghi để luôn có công việc.

Bản hợp đồng lao động vô thời hạn không còn là tấm lá chắn an toàn cho người lao động. Doanh nghiệp không có nhiều cơ hội chấm dứt hợp đồng với người lao động làm việc vô thời hạn nhưng chính công việc có khả năng sa thải họ. Người lao động đáp ứng được nhu cầu công việc chịu áp lực từ đánh giá chuyên môn và áp lực tinh thần trong quá trình hoạt động đội nhóm. Khi bị căng thẳng, áp lực, người lao động càng giảm sút năng suất lao động, sức khỏe không đảm bảo, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động… Tất cả những điều này có thể dồn người lao động đến bước buộc phải tự xin nghỉ việc.

Thị trường lao động ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn. Người lao động không tự trang bị những kỹ năng mềm như “khả năng phục hồi”, “động lực và nhận thức bản thân” thực sự rất khó để vượt qua những cú sốc do công việc đem đến. Với lao động trẻ chưa có kinh nghiệm không gì tốt hơn là việc trang bị những kỹ năng phù hợp công việc. Thị trường lao động với người trẻ cũng cạnh tranh khốc liệt và đào thải nhanh. Vì vậy, người lao động không tự trang bị kỹ năng cho mình thì khó lòng trụ vững suốt hàng chục năm làm việc trong tương lai.

Thị trường lao động kém sôi động là một chỉ báo không mấy vui mừng nhưng không có nghĩa chỉ ẩn chứa bóng tối và bế tắc. Doanh nghiệp và người lao động có đứng đúng vị trí của mình trong tương lai hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn của ngày hôm nay – ngay trong khoảng lặng mùa tuyển dụng này.

Phan Thị Ngọc Thắng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khoang-lang-mua-tuyen-dung/