Khoáng sản hiếm nằm ở trọng tâm đối đầu Trung Quốc-Mỹ-châu Âu

Ở thời điểm thường xuyên xảy ra bất đồng địa chính trị giữa Mỹ-Trung Quốc và châu Âu, Washington cũng như Brussels đều muốn tránh viễn cảnh bị Bắc Kinh đóng sập cánh cửa tiếp cận khoáng sản hiếm.

Một cơ sở xử lý đất hiếm tại thành phố Bao Đầu, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Một cơ sở xử lý đất hiếm tại thành phố Bao Đầu, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Do vậy, Mỹ cùng nhiều quốc gia châu Âu đã đầu tư cho thị trường liên quan đến 17 khoáng sản hiếm vốn chủ yếu được khai thác và xử lý tại Trung Quốc.

Trong trường hợp Trung Quốc cắt nguồn tiếp cận của Mỹ và châu Âu với khoáng sản hiếm khai thác tại nước này, nhiều phương tiện chạy bằng điện, máy bay không người lái và turbine gió sẽ bị ảnh hưởng.

Bà Jane Nakano tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đánh giá: “Tăng trưởng dự kiến theo cấp số nhân với khoáng sản liên quan đến năng lượng sạch đã tạo áp lực khiến Mỹ và châu Âu phải xem xét về những nơi là điểm yếu rồi có bước đi chắc chắn”.

Đất hiếm với 17 khoáng sản tự nhiên trong đó có neodymium, praseodymium và dysprosium đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nam châm sử dụng trong turbine gió và xe ô tô điện. Chúng cũng tồn tại trong các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại thông minh, màn hình máy tính…

Năm 2019, Mỹ nhập khẩu 80% đất hiếm từ Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) trong khi đó cũng nhận 98% nguồn cung khoáng sản hiếm từ Trung Quốc.

Ở thời điểm các quốc gia tập trung chuyển sang năng lượng xanh thì đất hiếm chắc chắn đóng vai trò đặc biệt. Do vậy, việc Trung Quốc giữ vai trò độc tôn trong thị trường này khiến phương Tây phải cảnh giác.

Trong tháng 6 này, Thượng viện Mỹ đã thông qua luật nâng cao tính cạnh tranh của Mỹ trong đó bao gồm cải thiện chuỗi cung ứng đất hiếm. Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Sameera Fazili ngày 8/6 cho biết Washington đang hướng tới đẩy mạnh sản xuất và xử lý đất hiếm cùng lithium đồng thời “phối hợp với đồng minh và đối tác để tăng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững, giảm phụ thuộc vào các đối thủ địa chính trị”. Một trong những hy vọng của Mỹ là mỏ tại núi Pass ở California.

Về phần châu Âu, ông David Merriman tại công ty tư vấn Roskill (Anh) cho biết khu vực này dự kiến tập trung vào nhập khẩu nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm và tái chế. Ông Bernd Schafer tại công ty liên doanh Eit Raw Materials đánh giá nếu tái chế được đẩy mạnh thì “đến năm 2030, 20-30% nhu cầu đất hiếm của châu Âu có thể được đáp ứng ngay trong châu lục”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/khoang-san-hiem-nam-o-trong-tam-doi-dau-trung-quocmychau-au-20210614181533326.htm