'Khoáng sản là miếng mỡ ngon đặt trước miệng mèo, phải đậy kỹ, khóa chặt'

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu cho rằng, khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không thể tái tạo, bồi đắp, đòi hỏi phải quản lý khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Định giá quyền khai thác khoáng sản rất cần thiết nhưng phức tạp

Chiều nay (28/6), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nhắc lại việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn của ông hôm 4/6 về trường hợp các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã có giấy phép khai thác khoáng sản mà không triển khai dự án do nhiều nguyên nhân.

Ông cho rằng, trường hợp này có thể thực hiện đấu giá các mỏ này để huy động các nguồn lực xã hội vào khai thác khoáng sản. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trường hợp trên có thể đấu giá khi xác định được doanh nghiệp không thể thực hiện, tổ chức khai thác.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh).

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh).

Theo đại biểu Hậu, trong thực tế, những trường hợp có rất nhiều tình huống cần lưu ý và quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực.

Ông lấy ví dụ về doanh nghiệp không tự triển khai các dự án khai thác, nhưng có thể dùng quyền khai thác để liên doanh, liên kết góp vốn với doanh nghiệp khác khai thác.

"Theo tôi đây là cách làm đúng, mở hướng ra cho doanh nghiệp và huy động được nguồn lực xã hội vào khai thác khoáng sản", ông Hậu nói.

Như vậy doanh nghiệp khác không cần đấu giá mà vẫn đương nhiên được khai thác. Với trường hợp này, đại biểu cho rằng cần định giá quyền khai thác khoáng sản khi đưa vào góp vốn để tránh thất thoát tài sản của nhà nước.

Video: Đại biểu Trần Hữu Hậu phát biểu thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

"Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy việc định giá tài sản và định giá quyền sử dụng đất để đưa vào góp vốn, dù đã quy định cụ thể nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm và không ít cán bộ các cấp bị kỷ luật, vào vòng lao lý", đại biểu Hậu cho hay.

Vì vậy, theo đại biểu, việc định giá quyền khai thác khoáng sản rất cần thiết nhưng khá phức tạp. Từ đó, cần nghiên cứu quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch phục vụ các hoạt động liên quan. Như vậy, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản cần bổ sung 1 điều về định giá quyền khai thác khoáng sản.

Khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước. Hầu hết khoáng sản không thể tái tạo, bồi đắp, đòi hỏi phải được quản lý khai thác, sử dụng tiết kiệm hiệu quả.

"Khoáng sản là miếng mỡ ngon đặt trước miệng mèo, phải tăng cường dạy dỗ nhắc nhở mèo rằng phải giữ gìn phẩm chất đạo đức và phải đậy kỹ, khóa thật chặt", đại biểu nhấn mạnh.

Tỷ lệ cấp phép khai thác qua đấu giá thấp

Báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản cho thấy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá là rất thấp.

Đại biểu Trần Hữu Hậu cho biết, liên quan đến việc đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản thấp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn cho biết vì thực hiện đúng theo Nghị định 158, quy định 7 trường hợp không đấu giá.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản đã lấy lại 3/7 nội dung của Nghị định 158, có quy định rộng hơn và khái quát hơn, đồng thời giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết.

Tuy nhiên, ông Hậu cho rằng nếu không có sự thay đổi căn bản theo quy định tại Nghị định 158 thì Bộ Tài nguyên và các địa phương khó mà chuyển mạnh sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh).

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh).

Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) tán thành việc giao cho Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản nhóm 1. Tương tự, giao cho Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản với nhóm 2.

Theo đại biểu, nên giữ quy định như vậy với 3 lý do. Thứ nhất, điều này không gây xáo trộn chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý của nhà nước về khoáng sản. Bởi sự thay đổi này chưa cần thiết và chưa được đánh giá tác động.

Hai là, quán triệt nghiêm túc theo yêu cầu của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, đến chế biến, sử dụng khoáng sản.

Ba là, nếu giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì lập quy hoạch thì bộ tài nguyên vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời là cơ quan cấp phép cho hoạt động khoáng sản.

"Như vậy ở góc độ nào đấy cũng có thể có quan điểm coi đây là quy định gọi là có nguy cơ tiềm ẩn, phát sinh tiêu cực tham nhũng", đại biểu cho hay.

Phùng Đô

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khoang-san-la-mieng-mo-ngon-dat-truoc-mieng-meo-phai-day-ky-khoa-chat-192240628163644948.htm