Khoảng trống giữa các chiến dịch

Chỉ tính riêng năm 2020, lực lượng thanh tra giao thông đường bộ đã kiểm tra gần 135.000 xe tải, phát hiện và xử lý gần 14.400 xe vi phạm tải trọng (chiếm hơn 10%). Tuy nhiên, con số này mới chỉ phản ánh được một phần số xe quá tải lưu thông qua các đoạn đường có đặt trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và cố định.

Thực tế, bất chấp các lực lượng chức năng liên tục thực hiện các chiến dịch ngăn chặn, tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại và phổ biến trên hầu hết các tuyến quốc lộ như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 2, Quốc lộ 6, Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh... Thậm chí, xe quá tải hoạt động ngang nhiên tại nhiều đầu mối nguồn hàng, các khu công nghiệp, bến cảng, bến thủy nội địa và một số khu mỏ, nhà máy, khu công nghiệp.

Xe quá tải, cơi nới thùng, chở hàng hóa cồng kềnh... lưu thông trên đường không chỉ khiến nhiều cây cầu, tuyến đường nhanh chóng xuống cấp, mà còn là nỗi lo lắng mất an toàn thường trực, ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người dân.

Trước tình trạng hầu hết các xe tải đều chở quá tải, các chuyên gia giao thông chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc các doanh nghiệp tìm mọi cách giảm chi phí đầu tư phương tiện vận tải, nhân lực lái xe; chở quá tải, tăng ca, tăng chuyến để cạnh tranh và giảm giá thành vận chuyển. Trong khi một số địa phương còn dung túng cho hành vi này với quan niệm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, kích cầu giao thương cho địa phương.

Điều đó cho thấy, dù các lực lượng chức năng rất nỗ lực trong việc ngăn chặn, xử lý xe quá tải, nhưng các biện pháp triển khai đang có “khoảng trống” nhất định.

Nhiều chuyên gia phân tích, nếu chỉ dựa vào sức người thì không thể ngăn chặn hết xe quá tải. Bởi, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông còn mỏng, trang thiết bị còn thiếu và trong một số thời điểm, các lực lượng này bị phân tán khi phải triển khai nhiều nhiệm vụ.

Đáng lo ngại là nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng, hoặc khi các đợt ra quân trùng xuống, xe quá tải lại bùng phát trên các tuyến đường.

Cục Cảnh sát giao thông vừa ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện bắt đầu từ ngày 1-4, nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông từ việc chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về thành công của chiến dịch trên nếu thiếu sức mạnh tổng lực của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và chính quyền địa phương cùng hiệp đồng tác chiến. Thực tế, cuộc chiến ngăn chặn, xử lý xe quá tải được ngành giao thông thực hiện rầm rộ từ năm 2013, tiếp đó đến quy chế phối hợp liên ngành giữa công an và giao thông nhằm mục tiêu xử lý dứt điểm xe quá khổ, quá tải, nhưng đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, vì vẫn chủ yếu dựa vào con người.

Rõ ràng, chỉ khi việc ứng dụng công nghệ vào giám sát, phát hiện và xử lý, tình trạng xe quá tải mới được ngăn chặn. Để làm được điều này, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các đầu mối nguồn hàng, khu vực khai thác mỏ..., nhất là các trạm thu phí cần được lắp đặt hệ thống cân tải trọng tự động. Khi đó, toàn bộ phương tiện vi phạm sẽ được phát hiện kịp thời.

Việc xử lý xe quá tải bằng công nghệ tự động không những giảm áp lực đối với các lực lượng thực thi công vụ, mà còn làm tăng tính minh bạch trong việc xử lý. Đã đến lúc cần nhìn nhận lại cách thức phát hiện và xử lý vi phạm an toàn giao thông. Nếu vẫn chủ yếu dựa vào sức người, dù phân định lực lượng nào cũng khó có thể ngăn chặn xe quá khổ, quá tải.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khoang-trong-giua-cac-chien-dich-post438315.html