Khoảng trống lớn trong hệ thống bảo tàng mỹ thuật Việt NamĐâu là giải pháp tối ưu?

Những hạn chế về nguồn nhân lực, kinh phí, cùng với sự nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo quản khiến hoạt động bảo quản, tu sửa, phục chế di sản văn hóa còn là khoảng trống lớn trong hệ thống bảo tàng ở Việt Nam. Vậy, làm thế nào để sớm khỏa lấp khoảng trống này?

Quang cảnh buổi Tọa đàm khoa học "Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp".

Quang cảnh buổi Tọa đàm khoa học "Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp".

Đó là câu hỏi được các chuyên gia tập trung giải đáp trong Tọa đàm khoa học "Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua.

Thạc sĩ Trần Thị Hương - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam:
Người làm bảo quản giống như bác sĩ

Công tác bảo quản luôn có vai trò quan trọng và là một nhiệm vụ khó khăn cho mỗi bảo tàng. Điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa (khi nóng ẩm, khi hanh khô, miền Nam 2 mùa, miền Bắc 4 mùa rõ rệt, miền Trung thường chịu ảnh hưởng của gió Lào...) ảnh hưởng rất nhiều đến hiện vật, đặc biệt là loại hình hiện vật mỹ thuật như ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Trong lịch sử phát triển của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo luôn dành sự quan tâm tới công tác bảo quản, tu sửa, phục chế tác phẩm, hiện vật. Bảo tàng có Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật - được thành lập từ năm 2006 trên cơ sở Tổ phục chế, Phòng phục chế, Xưởng phục chế. Đây là trung tâm duy nhất ở Việt Nam có chức năng cung cấp dịch vụ tu sửa, bảo quản hiện vật thuộc loại hình mỹ thuật cho các bảo tàng, các đơn vị và cá nhân trong cả nước.

Ở góc độ của người làm bảo tàng, việc ngăn chặn sự xuống cấp, hư hại của tác phẩm luôn được coi trọng. Quan điểm là “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và “có bệnh thì phải chữa”; luôn cẩn trọng, chưa tìm ra phương án tối ưu thì phải giữ cho hiện vật không xuống cấp thêm. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, công việc của những người làm bảo quản, lưu giữ hiện vật vừa như một bác sĩ y tế cộng đồng, vừa như một bác sĩ khám chữa bệnh. Họ là người đưa ra các khuyến cáo, chăm sóc để giữ gìn, tránh cho các hiện vật "mắc bệnh", đồng thời khi hiện vật bị xuống cấp thì phải tìm mọi cách để "điều trị". Thực tế, đây là một ngành nghề mới chưa có cơ sở đào tạo chính thống, chuyên nghiệp ở Việt Nam. Vì vậy, Bảo tàng luôn cố gắng, nỗ lực phát huy nguồn nội lực cũng như kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động này, và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Kiên - Trưởng phòng Kiểm kê - Bảo quản, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam:
Chăm sóc, quản lý hiện vật khoa học, đúng cách là một thách thức

Khu vực kho bảo quản là phần quan trọng mang tính sống còn của bất kỳ bảo tàng nào, phần lớn các bộ sưu tập được lưu giữ tại đó. Kho bảo quản cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển bảo tàng và các chương trình do có mối quan hệ mật thiết với các hoạt động khác như nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, giáo dục, bảo quản, tu sửa... Để đảm bảo cho công tác bảo quản và khai thác giá trị hiện vật đạt hiệu quả thì phải chăm sóc, quản lý hiện vật của bảo tàng một cách khoa học, đúng cách. Đó là một thách thức lớn.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sở hữu một khối lượng hiện vật khá lớn. Hiện vật được sắp xếp, xây dựng hồ sơ khoa học cơ bản nhưng vẫn còn một số chưa được đăng ký, xác minh, bổ sung thông tin. Hiện nay, chúng tôi đang hướng tới việc hoàn thiện số liệu, thông tin tổng quan, đầy đủ về toàn bộ hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, cần được làm tốt để có thể nắm bắt, xây dựng kế hoạch quản lý hiện vật khoa học, hiệu quả.

Qua 6 năm (2017 - 2022) triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trong công tác bảo quản, quản lý hiện vật: Từ đầu tư trang thiết bị, nâng cấp kho cơ sở cho đến tổng kiểm kê, lập hồ sơ, số hóa hiện vật..., Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có cái nhìn tổng quát về thực trạng trong công tác bảo quản, phòng ngừa rủi ro, quản lý hiện vật để từ đó xây dựng kế hoạch, đề án, từng bước giải quyết bất cập đồng thời chia sẻ kết quả, kinh nghiệm, đưa ra một số giải pháp cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thạc sĩ Đinh Thị Hoài Trai - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế:
Tăng cường đầu tư mọi mặt cho kho cơ sở

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho kho cơ sở và hệ thống trưng bày là khâu thiết yếu, là điều kiện quan trọng để thực hiện có hiệu quả hoạt động của bảo tàng nói chung, hoạt động bảo quản hiện vật nói riêng. Do đó, trong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm, tăng nguồn ngân sách đầu tư về cơ sở vật chất, hệ thống kho lưu giữ, bảo quản hiện vật; tiến hành cải tạo, mở rộng diện tích kho hiện vật (hướng tới phân loại kho hiện vật theo từng chất liệu), đáp ứng điều kiện bảo quản phù hợp với đặc điểm thời tiết, môi trường và từng loại chất liệu hiện vật, hình ảnh, tư liệu.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư và làm tốt công tác bảo quản phòng ngừa, triển khai bảo quản trị liệu một cách khoa học và phù hợp với các nguyên tắc, quy định bảo quản nhằm kéo dài tuổi thọ cho tài liệu, hiện vật. Từng bước hoàn thiện việc tổ chức kho bảo quản một cách khoa học, theo hướng kho mở để vừa đảm bảo an toàn cho hiện vật, vừa phục vụ việc nghiên cứu, tra cứu hiện vật một cách nhanh chóng, thuận tiện. Cần lập kế hoạch di chuyển hiện vật được ưu tiên theo thứ tự; đưa ra phương án, sơ đồ di chuyển hiện vật trong trường hợp có sự cố cháy nổ, lũ lụt và mưa bão nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho tác phẩm.

Các bảo tàng cũng cần đẩy nhanh việc đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác bảo quản hiện vật nói riêng và trong tổ chức các hoạt động bảo tàng nói chung. Cần xây dựng chiến lược quản lý dữ liệu tập trung phục vụ cho công tác kiểm kê, bảo quản và đặc biệt là phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày được thuận tiện, sáng tạo. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc bảo vệ, kiểm soát môi trường trưng bày, sử dụng các thiết bị cảm ứng nhiệt, độ ẩm và các thiết bị quan sát ban đêm... Đây là các ứng dụng hữu ích cho việc kiểm soát môi trường trong trưng bày; kiểm soát an ninh, an toàn cho hiện vật trưng bày nhằm hạn chế khả năng bị đánh cắp.

Mỗi bảo tàng đều có thế mạnh và hạn chế riêng, do đó, cần có sự hợp tác, liên kết giữa các bảo tàng để trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động bảo tàng. Cần cập nhật các quy trình công nghệ mới, thiết bị bảo quản hiện đại, cử cán bộ đi đào tạo ở các lớp huấn luyện chuyên sâu về bảo quản hiện vật và các phương pháp trưng bày mới trong bảo tàng nhằm góp phần giữ gìn tốt hiện vật.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khoang-trong-lon-trong-he-thong-bao-tang-my-thuat-viet-nam-dau-la-giai-phap-toi-uu-638656.html