Khoảng trống trong phẫu thuật thẩm mỹ
Tai biến không chỉ rình rập khách hàng khi phẫu thuật ở các thẩm mỹ viện 'chui', mà ở các cơ sở thẩm mỹ chính danh được cấp phép nhưng hoạt động thiếu trách nhiệm thì khách hàng cũng có nguy cơ 'tiền mất, tật mang'.
Thuê phòng mổ để hành nghề “chui”
Cuối tháng 7, chị N.T.K.N. đến Thẩm mỹ viện Pháp Á (Công ty TNHH Thẩm mỹ viện FA Plus) tại quận 1 (TPHCM) để hút mỡ bụng, hút mỡ vùng hông, cánh tay, nách, cấy mỡ mu bàn tay với chi phí 95 triệu đồng. Hai ngày sau, chị N. nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán viêm mô tế bào. Theo kết quả xác minh của Sở Y tế TPHCM, ông Huỳnh Thanh Hải đã thuê phòng mổ tại Thẩm mỹ viện Pháp Á với giá 15 triệu đồng để “hành nghề” trái phép, trực tiếp phẫu thuật cho chị N. Thẩm mỹ viện không cung cấp được bằng cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề của người thuê phòng mổ. Khi bị kiểm tra, ông Huỳnh Thanh Hải không hợp tác với cơ quan chức năng!
Theo TS-BS Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình TPHCM, tình trạng bệnh viện tư cho thuê phòng mổ thẩm mỹ vì lợi nhuận, thiếu kiểm soát là một trong những nguyên nhân gây ra tai biến cho khách hàng. “Tại một số cơ sở y tế tư nhân, ai đưa khách hàng đến mổ cũng được, dù có chứng chỉ hành nghề hay không. Điều này vô cùng nguy hiểm”, TS-BS Nguyễn Thanh Vân nhận xét. Khi không kiểm soát được vấn đề nhân sự, tai biến phẫu thuật rất dễ xảy ra do bác sĩ không có năng lực, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn, thực hiện nhiều phẫu thuật cùng lúc trên khách hàng, gây mê hồi sức không an toàn, tay nghề yếu... Hậu quả, khách hàng thường bị tai biến nặng, thậm chí thủng ruột khi hút mỡ, thủng phổi khi đặt túi ngực, và nghiêm trọng hơn là tử vong.
TS-BS Nguyễn Thanh Vân cho rằng, bất cập nằm ở việc chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay có phạm vi rộng nên bác sĩ được thực hiện tất cả danh mục, trong khi không phải ai cũng đủ khả năng.
“Trước đây, chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ ghi rõ ràng phạm vi chuyên môn. Tuy nhiên, hiện nay ghi chung chung là “khám chữa bệnh phẫu thuật thẩm mỹ”. Do đó, cần quy định giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra sự cố khi cho thuê phòng mổ đối với các phẫu thuật viên không có chứng chỉ hành nghề phù hợp, không đủ khả năng tay nghề”, TS-BS Nguyễn Thanh Vân kiến nghị.
PGS-TS-BS Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Gây mê Hồi sức TPHCM, bày tỏ bức xúc trước việc nhiều người được phẫu thuật chỉ sau vài giờ khám trước gây mê. Trong khi theo quy định, khám trước gây mê phải thực hiện trong khoảng thời gian từ 1-7 ngày trước phẫu thuật để bác sĩ đánh giá tình trạng, thảo luận về các nguy cơ. Tai biến xảy ra nghiêm trọng hơn khi bác sĩ gây mê hồi sức không có năng lực đánh giá nguy cơ và xử trí. Đó cũng là nguyên nhân khiến một phụ nữ sốc phản vệ thuốc tê khi thẩm mỹ vùng kín ở Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Diva Sài Gòn. Ê kíp thực hiện thẩm mỹ cho khách hàng này không có trong danh sách hành nghề của phòng khám, giả mạo bác sĩ, không có chứng chỉ hành nghề.
Quy định danh mục kỹ thuật cụ thể
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện có nhiều khoảng trống trong lĩnh vực thẩm mỹ cần phải được “lấp đầy” nhằm tăng cường an toàn cho khách hàng, như điều kiện cấp phép và phạm vi hành nghề; năng lực và đào tạo bác sĩ; quy định mua, sử dụng máy móc, trang thiết bị y tế thẩm mỹ... Đơn cử, Thông tư 32 của Bộ Y tế quy định lĩnh vực tạo hình phẫu thuật thẩm mỹ được phép thực hiện 517 dịch vụ kỹ thuật liên quan, trong đó có 504 kỹ thuật chuyên môn khám chữa bệnh cho người hành nghề tạo hình thẩm mỹ. “Phạm vi hành nghề như vậy, nhưng chuẩn năng lực của người hành nghề như thế nào, hay chỉ cần giấy phép hành nghề lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ thì có thể làm tất cả 504 kỹ thuật này?”, PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng đặt vấn đề. Do vậy, Sở Y tế TPHCM kiến nghị Bộ Y tế bổ sung quy định phân chia kỹ hơn về danh mục kỹ thuật bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được phép thực hiện.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cũng nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân gây tai biến thẩm mỹ là do năng lực của người hành nghề chưa đáp ứng thực tiễn, nhiều người vì lợi nhuận mà không tuân thủ hoặc cố tình vi phạm pháp luật. Mặt khác, phần lớn người hành nghề đều vượt quá chuyên môn, năng lực và gây nguy hiểm cho khách hàng; không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ các khóa đào tạo cập nhật chuyên môn kiến thức, phác đồ điều trị, quy định của pháp luật...
Đề xuất triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thẩm mỹ
Sở Y tế TPHCM đang triển khai 5 nhóm giải pháp để hạn chế thấp nhất các sự cố y khoa trong hoạt động thẩm mỹ.
Nhóm giải pháp thứ nhất là siết chặt đảm bảo tuân thủ nghiêm những quy định trong hành nghề thẩm mỹ.
Nhóm giải pháp thứ hai là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, công khai minh bạch thông tin các cơ sở thẩm mỹ vi phạm pháp luật.
Nhóm giải pháp thứ ba là chuẩn hóa các hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật của chuyên khoa thẩm mỹ.
Nhóm giải pháp tiếp theo là kiến nghị Bộ Y tế bổ sung những quy định pháp luật trong việc kiểm soát chặt các sản phẩm được sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ (bao gồm thuốc, vật tư, thiết bị y tế).
Nhóm giải pháp cuối cùng là tạo lập dữ liệu số trong công tác quản lý thuộc lĩnh vực thẩm mỹ, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thẩm mỹ.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khoang-trong-trong-phau-thuat-tham-my-post756565.html