Khóc cười với thưởng Tết
Sau 12 tháng làm việc vất vả, người lao động mong ngóng được một khoản thưởng Tết để có thêm chi phí trang trải dịp Tết cho gia đình. Chính bởi vậy, đây là khoản tiền mà người lao động mong chờ nhất trong năm.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết năm nay của các doanh nghiệp trung bình khoảng 6 – 7 triệu đồng/người. Cụ thể, tiền thưởng Tết của Công ty TNHH Một thành viên 100% vốn Nhà nước 6,12 triệu đồng/người, bằng năm 2019; công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước 7,53 triệu đồng/người, tăng 10,6% so với 2019; DN dân doanh 6,27 triệu đồng/người, tăng 0,5% so với 2019; DN FDI 6,91 triệu đồng/người, tăng 11,1% so với 2019.
Tại Khoản 1, Điều 104, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2021 cho phép: Thay vì chỉ thưởng Tết cho người lao động bằng tiền mặt, chủ DN sẽ có thêm lựa chọn bằng cách trả bằng hiện vật hoặc các tài sản khác có giá trị tương đương. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay, DN đã áp dụng hình thức trả hiện vật thay vì tiền thưởng. Và thực tế, hình thức này đã khiến nhiều người lao động “dở khóc dở cười”. Theo chia sẻ của chị M, nhân viên một công ty chuyên kinh doanh thực phẩm, Tết chị được thưởng 15 cân măng khô, quy ra tiền mặt cũng khoảng 3 triệu đồng. Theo chị M, giá được cầm 3 triệu đồng tiền mặt thì sẽ trang trải được nhiều thứ cho gia đình dịp Tết này, còn 15 cân măng khô, ăn làm sao hết nên phải chia cho bạn bè, họ hàng, người thân. Vậy là “xong” khoản thưởng Tết.
Còn có người lao động chia sẻ, làm việc tại công ty chuyên về sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoặc thức ăn gia súc, nếu DN áp dụng quy định này thì đúng là… móm. Theo chia sẻ của nhiều người lao động, họ cần khoản tiền thưởng Tết để động viên tinh thần làm việc sau 1 năm vất vả, nếu nhận được những món thưởng Tết kiểu hiện vật mà không có tác dụng, ý nghĩa với nhu cầu cuộc sống thì thà không có còn hơn.
Thiết nghĩ, món tiền thưởng Tết dù nhiều hay ít cũng sẽ tạo ra động lực, tiếp sức người lao động để năm sau sẽ làm việc năng suất hơn, hiệu quả hơn. Chính bởi vậy, người sử dụng lao động cần có những hình thức thưởng Tết hợp lý để từ đó có thể thu hút, giữ chân người lao động làm việc, gắn bó lâu dài với DN mình, từ đó mới có thể thúc đẩy DN hoạt động mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/khoc-cuoi-voi-thuong-tet-tintuc457260