Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 4: Có thực mới vực được đạo
Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Đồng lương bèo bọt
Với hơn 632.000ha, Gia Lai là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất Tây Nguyên và thứ 4 cả nước. Tỉnh miền núi này hiện có 11 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và 21 Ban Quản lý rừng phòng hộ, cùng Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
Tuy vậy, thời gian qua, ngành lâm nghiệp tỉnh Gia Lai cũng đang đối diện với thách thức khi nhiều nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc. Ông Phan Thanh Hải - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê thông tin, đơn vị được giao 15 biên chế nhưng đến nay có 6 người xin nghỉ. Trong số 9 người thì lãnh đạo và văn phòng chiếm 6 người, nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng chỉ còn 3.
Ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đã có văn bản kiến nghị Chính phủ có chính sách đặc thù cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị chủ rừng lập phương án khoán bảo vệ rừng cho các cá nhân và các tổ cộng đồng tại địa phương quản lý nhằm phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập để gắn bó với rừng, yên tâm công tác. Cách làm này không chỉ ngăn chặn các hành vi khai thác lâm sản trái phép, mà còn khuyến khích toàn dân tham gia bảo vệ, giữ rừng…
“Ước tính, mỗi nhân viên quản lý bảo vệ hơn 3.000ha rừng. Trong khi đó, áp lực giữ rừng ngày càng lớn mà tiền lương, chế độ phụ cấp còn thấp. Mặt khác, đặc thù công việc phải xa nhà nên một số người đã xin nghỉ việc hoặc tự động bỏ việc”, ông Hải bộc bạch.
Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, gắn bó, giữ rừng 10 năm nhưng anh Hồ Vĩnh Tường (nhân viên) cũng chỉ nhận được mức lương hơn 4,4 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, anh Tường cho biết không đủ các khoản chi cho con cái ăn học, trong khi đó công việc áp lực, vất vả, không có thời gian để về với gia đình.
Trước tình trạng nhiều nhân viên lâm nghiệp nghỉ việc, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cũng có thông báo tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc năm 2023. Trước mắt, cần tuyển 69 chỉ tiêu vào 18 ban quản lý rừng phòng hộ và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho hay, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng qua kiểm tra thực tế ở một số ban quản lý rừng có tình trạng nhân viên xin nghỉ việc. Nguyên nhân do lương thấp, áp lực công việc lại cao nên nhiều nhân viên buộc phải đi tìm công việc khác.
“Các chính sách vẫn còn thiếu, chưa tương xứng nên trước mắt chúng tôi đã đề xuất trong thời gian tới có những đãi ngộ tốt hơn cho lực lượng giữ rừng”, ông Hoan nói.
Tại Kon Tum, Chi cục Kiểm lâm tỉnh này cho hay, công việc bảo vệ rừng thường nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với côn trùng và vi sinh vật gây bệnh. Thế nhưng công việc này chưa được quy định trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Theo thực tế, phụ cấp rất thấp, đơn cử, 1ha rừng giao cho xã quản lý chỉ được chi trả 100.000đ/năm. Trong khi đó, quy định mỗi kiểm lâm phải giữ 1.000ha rừng dẫn đến lực lượng quá mỏng.
“Đỏ mắt” tìm người
Từ năm 2016 đến nay, tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk có 5 công chức xin nghỉ việc, 13 công chức xin chuyển công tác, 44 công chức xin nghỉ hưu trước tuổi, 3 công chức xin từ chức, xuống chức từ vị trí lãnh đạo xuống làm chuyên viên. Còn các công ty lâm nghiệp, số người bỏ việc trong vòng 5 năm trở lại đây đã trên con số 150.
Nhìn chồng đơn xin nghỉ việc cứ dày lên mỗi ngày, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk không khỏi xót xa, bất lực. “Mỗi khi nhận đơn của anh em, tôi luôn gặp riêng để lắng nghe tâm sự. Áp lực công việc nghề nào cũng có nhưng đồng lương phải đáp ứng được tối thiểu nhu cầu cuộc sống. Bởi phía sau họ còn cả trách nhiệm với gia đình. Có anh em nói rằng họ còn tình yêu nghề nhưng buộc phải lựa chọn để gìn giữ gia đình”, ông Hưng cho hay.
Nhắc lại 2 chữ “yêu nghề”, ông Hưng kể, bản thân đi lên từ “lính” giữ rừng nên thấu hiểu mọi sự hi sinh thầm lặng. Thực tế nghề nào cũng có cám dỗ, có “những con sâu làm rầu nồi canh” nhưng không thể phủ nhận sự cống hiến của người giữ rừng. Thứ duy nhất để họ bám lấy cánh rừng chính là tình yêu nghề.
Bản thân ông Hưng đã hơn chục năm được chuyển vị trí, ra khỏi nghề kiểm lâm. Dẫu cấp bậc, mức lương, tính chất công việc có phần nhẹ nhàng hơn, song ông Hưng xin quay về. “Khi nhiệt huyết với nghề vẫn còn, nó sẽ luôn thôi thúc bản thân quay lại. Để quản trị anh em, tôi dùng cách “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Tôi không dùng quyền để chỉ đạo mà hô hào anh em quyết tâm, vượt khó. Những anh em xa nhà, tôi cố gắng sắp xếp, từng bước luân chuyển địa bàn về gần gia đình, ổn định đời sống”, ông Hưng bộc bạch.
Dẫu nỗ lực song đến nay Đắk Lắk chưa thể ngăn dòng kiểm lâm viên bỏ nghề, trong khi việc tuyển dụng rất khó khăn. Trong 4 năm qua, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk chỉ tuyển được 31 công chức. Còn Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) cũng “thắp đuốc” vẫn chưa tìm được người.
Ông Trần Quốc Huy - Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô cho biết, có trường hợp vào xin việc nhưng nghe mức lương, chế độ phụ cấp đã lẳng lặng ra về. Có người vào làm được vài tháng thì tự xách ba lô về mà không báo cho ai. Xác định với mức lương chỉ 5 triệu đồng/tháng rất khó tuyển được người, lãnh đạo Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô đã hạ tiêu chuẩn từ đại học xuống mức chỉ cần tốt nghiệp THPT, nhưng cũng không có ai ứng tuyển.
Về số lượng người giữ rừng bỏ việc tăng mạnh trong thời gian qua, ông Hưng lý giải: Công tác quản lý Nhà nước ngày càng siết chặt; dân di cư ngoài kế hoạch dẫn đến hệ lụy phá rừng lấy đất, săn bắn thú rừng, tạo thành “điểm nóng”; nhiều đối tượng manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng thi hành nhiệm vụ bằng hung khí nguy hiểm, kể cả súng đạn…
Theo tìm hiểu, nghề giữ rừng từng là nghề “hot”. Những năm 1990, tại Trường Đại học Tây Nguyên (“lò” đào tạo nhân lực cho khu vực Tây Nguyên), sinh viên theo học ngành Lâm nghiệp rất đông. Về sau, số người theo học giảm dần. Đỉnh điểm năm 2020, trường không tuyển được sinh viên nào cho ngành Lâm nghiệp.
Dù số lượng sinh viên đăng ký cực thấp nhưng trường vẫn duy trì đào tạo, nếu không sẽ bị đóng mã ngành. Tuy nhiên, chưa chắc sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ theo nghề giữ rừng. Thậm chí, kể cả con cháu của các cán bộ, lãnh đạo trong ngành, số người nối nghiệp cha, chú…, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với đà kiểm lâm, người giữ rừng tiếp tục bỏ việc mà không có lực lượng thay thế, ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk lo lắng, rừng sẽ không còn ai giữ.
(Còn nữa)