Khoe ảnh bản thân thay đổi chính là cách ta 'trả tiền' cho Facebook
Nhiều gã khổng lồ công nghệ cung cấp dịch vụ chất lượng cao, miễn phí cho người dùng. Liệu chúng ta có đang phải 'trả phí' cho những dịch vụ đó theo một cách khác?
Vài ngày gần đây, người dùng Facebook tại Việt Nam hào hứng chia sẻ những bức ảnh thay đổi của bản thân sau hàng chục năm. Được đặt tên #howmuchhaveyouchangedchallenge, đây là dịp để những người dùng khoe hình ảnh cá nhân và nhận về những lời khen, trầm trồ hoặc ngạc nhiên về sự thay đổi sau hơn 10 năm.
Đây là một trào lưu quen thuộc. Đầu năm 2019, người dùng Facebook cũng hào hứng khoe sự thay đổi của bản thân trong 10 năm qua với thử thách “10 years challenge”.
Rõ ràng việc đăng ảnh mang lại sự vui vẻ, cảm giác mới lạ cho người dùng, nhưng nếu bình tâm lại, có thể thấy chúng ta đang tự “dâng” dữ liệu của mình cho Facebook.
Những trào lưu khoe ảnh tiềm ẩn rủi ro gì?
Viết về trào lưu khoe ảnh đầu năm 2019, tác giả Kate O’Neill của Wired cho rằng những người đang đăng ảnh cần chú ý tới xu hướng khai thác hình ảnh khuôn mặt trên Internet.
Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo lên ngôi, dữ liệu là nguyên liệu quan trọng nhất để các cỗ máy tự huấn luyện mình. Không có dữ liệu nào đáng quý hơn là những hình ảnh mà người dùng tự đăng tải, và không chỉ thế còn xác nhận mốc thời gian. Nói cách khác, người dùng vừa tự cung cấp dữ liệu, lại còn thực hiện luôn khâu “dán nhãn” cho dữ liệu đó.
“Hãy tưởng tượng rằng bạn muốn huấn luyện một thuật toán nhận diện khuôn mặt và dự đoán sự lão hóa, dữ liệu quan trọng nhất chính là ảnh chân dung của một người qua từng giai đoạn tuổi tác. Chúng sẽ giá trị hơn nếu có khoảng thời gian xác định, ở đây là 10 năm theo tên gọi ‘thử thách 10 năm’, cây viết O’Neill nhận định.
Theo cách này, O’Neill nhận định rằng trào lưu 10 năm chính là một “mỏ” dữ liệu “sạch”, do người dùng tự cung cấp.
Về phần mình, Facebook cho biết họ không thu lợi gì từ trào lưu “10 years challenge”. Giống như năm ngoái, cũng chẳng ai biết được trào lưu “bạn đã thay đổi thế nào” được bắt đầu từ đâu, do ai khởi xướng.
Chúng ta chỉ biết rằng khi tự cung cấp dữ liệu của mình lên mạng, những hình ảnh của bản thân có thể bị khai thác.
Chúng có thể được khai thác một cách tích cực, như xây dựng thuật toán dự đoán sự lão hóa để tìm trẻ em mất tích, nhất là với những trường hợp mất tích đã nhiều năm.
Các hình ảnh cũng có thể được dùng để nhắm quảng cáo một cách chuẩn xác hơn theo độ tuổi. Thậm chí, nếu hình ảnh tự cung cấp cho thấy bạn già nhanh hơn người khác, các công ty bảo hiểm có thể dự đoán rủi ro và từ chối bán cho bạn.
Dù tốt hay xấu, chúng ta cũng nên nhận thức được rằng mình đang tự cung cấp dữ liệu của bản thân cho một công ty vốn có tiếng xấu trong việc tôn trọng riêng tư của người dùng.
Hành vi quen thuộc của nhiều ông lớn công nghệ
Facebook không phải gã khổng lồ công nghệ duy nhất cung cấp dịch vụ miễn phí cho người dùng, và thu lợi bằng cách khai thác dữ liệu. Nói tới hành vi này, không thể không nhắc đến Google.
Ra đời năm 1997, dịch vụ tìm kiếm của Google chưa bao giờ thu tiền từ người dùng. Thay vào đó, họ sử dụng dữ liệu tìm kiếm của người dùng để bán quảng cáo cho các đơn vị kinh doanh.
Cả đế chế của Google, với hàng loạt dịch vụ ra đời hoặc mua lại sau đó đều hoạt động theo cơ chế này. Gmail, YouTube, Android đều là những sản phẩm “miễn phí” với người dùng, hoặc trong một số trường hợp là với nhà sản xuất smartphone, nhưng đổi lại Google đang kinh doanh bằng chính dữ liệu của những người sử dụng.
Nói một cách công bằng thì nhiều dịch vụ của Google có chất lượng vượt trội so với đối thủ. Gmail ngay từ đầu đã có dung lượng lưu trữ lớn hơn, và giờ đây còn tích hợp nhiều tiện ích kiểm tra chính tả, tìm kiếm. YouTube có tốc độ tải video nhanh và nội dung phong phú, còn Android thì có rất nhiều tính năng hữu ích và liên tục cải tiến.
Tất cả những dịch vụ nói trên đều phát triển như một cơn bão tuyết: thuyết phục người dùng vì chất lượng và miễn phí, lôi kéo thêm nhà quảng cáo và cung cấp nội dung khi lượng người dùng quá đông, và dần dần khiến người dùng phụ thuộc vào nó.
Tuy nhiên, dịch vụ miễn phí cũng có lúc sẽ đạt giới hạn. Ngày 11/11, Google thông báo sẽ dừng tính năng tải ảnh chất lượng cao miễn phí lên Google Photos từ tháng 6/2021. Người dùng sẽ chỉ có 15 GB dung lượng dùng chung với Google Drive, và nếu muốn dùng thêm thì cần mua gói dịch vụ Google One.
“Google kiếm được 11,2 tỷ USD lợi nhuận trong quý gần nhất, và dùng những bức ảnh bạn tải lên để huấn luyện thuật toán máy học của họ. Nhờ đó, họ có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ.
Cần nhớ rằng chính việc sử dụng miễn phí đã giúp Google Photos loại bỏ hàng loạt dịch vụ cạnh tranh trên thị trường như Everpix, Loom, Ever, Picturelife. Giờ đây khi họ đã đóng cửa hết, và Google không muốn tốn thêm tiền cho Photos, họ bắt đầu bật chế độ thu tiền”, cây viết Casey Newton, cựu biên tập viên của Cnet và The Verge nhận định trên trang cá nhân.
Newton cho rằng đây là một chiến lược quen thuộc của những gã khổng lồ công nghệ: sử dụng nguồn tài nguyên gần như vô tận của mình để tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh, sau đó mới bắt đầu thu tiền của người dùng.
Trong quá trình đó, “đóng góp” của những người dùng dịch vụ chính là lượng dữ liệu lớn mà chúng ta tải lên hàng ngày, để đổi lấy sự miễn phí và các tính năng vượt trội mà Google cung cấp.
Nói cách khác, chúng ta đang “trả giá” cho những dịch vụ này bằng chính dữ liệu của mình.