Khoe con 'từ chối cả 3 trường top đầu', mẹ bị bóc lỗi sai cơ bản khiến dân mạng ngán ngẩm

Niềm tự hào khi con đỗ vào trường top đầu là chính đáng nhưng phụ huynh không nên nói quá thành tích của con.

Một bài đăng của một phụ huynh gần đây đã thu hút sự chú ý lớn trong cộng đồng mạng, đặc biệt là giới giáo dục tại TP.HCM. Trong bài viết, người này tự hào chia sẻ rằng con mình đã đồng thời được ba trường trung học hàng đầu thành phố là THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và THPT Nguyễn Thượng Hiền gọi điện "mời nhập học". Thế nhưng, gia đình đã "nhẹ nhàng từ chối".

Người mẹ chia sẻ với giọng điệu đầy tự hào: "Cảm giác nhận cuộc gọi của các thầy cô Hiệu trưởng của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, trường chuyên Trần Đại Nghĩa và trường Nguyễn Thượng Hiền hỏi sao không nộp hồ sơ nhập học cho con và mình nhẹ nhàng từ chối phê thật quý phụ huynh ạ".

Ngay sau khi bài viết được đăng tải, làn sóng bình luận đã bùng nổ. Nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh có hiểu biết về quy trình tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM lập tức lên tiếng phản biện, cho rằng nội dung bài đăng chứa nhiều điểm sai lệch và bất hợp lý.

Người mẹ khoe con trúng tuyển cùng lúc 3 trường chuyên nhưng nhận về nhiều phản bác

Người mẹ khoe con trúng tuyển cùng lúc 3 trường chuyên nhưng nhận về nhiều phản bác

Bất hợp lý ngay từ nguyên tắc tuyển sinh

Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, mỗi học sinh chỉ được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng vào trường chuyên và 3 nguyện vọng vào lớp 10 thường. Thí sinh sẽ được xét tuyển theo thứ tự ưu tiên đã đăng ký, và chỉ được trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất.

Vì vậy, việc một học sinh đồng thời được ba trường chuyên "gọi nhập học" là điều không thể xảy ra theo đúng quy chế.

Một phụ huynh am hiểu nhận định: "Đúng là đôi khi có trường gọi điện xác nhận học sinh sau khi trúng tuyển, nhưng tuyệt đối không có chuyện cả ba trường đều gọi, lại càng không phải là Hiệu trưởng đích thân liên hệ."

Một bình luận khác khẳng định: “Nguyên tắc là trúng nguyện vọng 1 thì nguyện vọng 2, 3 bị hủy. Nên nếu đỗ một trường thì hai trường còn lại không có quyền xét tiếp.”

Ngoài điểm sai về quy trình xét tuyển, việc người mẹ nói rằng các thầy cô hiệu trưởng của ba trường đồng loạt gọi điện mời nhập học càng khiến cư dân mạng nghi ngờ.

Một giáo viên THPT lâu năm tại TP.HCM chia sẻ: “Ngay cả khi học sinh trúng tuyển, việc hiệu trưởng gọi điện trực tiếp cho phụ huynh là cực kỳ hiếm. Thường chỉ có phòng tuyển sinh hoặc văn phòng trường xác nhận, và chỉ trong trường hợp cần bổ sung giấy tờ hay xác định học sinh có nhập học không.”

Câu chuyện càng trở nên khó tin khi ba trường đều được xếp vào nhóm trường có tỉ lệ cạnh tranh cao nhất thành phố, và quy trình tuyển sinh của họ luôn chặt chẽ, công khai và minh bạch.

Không có chuyện 3 vị Hiệu trưởng cùng lúc gọi mời nhập học vào lớp 10. Ảnh minh họa/Nguồn: Dân Trí

Không có chuyện 3 vị Hiệu trưởng cùng lúc gọi mời nhập học vào lớp 10. Ảnh minh họa/Nguồn: Dân Trí

Tuyển sinh lớp 10 chuyên: Không có chỗ cho “tự biên tự diễn”

Trong nhiều năm qua, kỳ thi vào lớp 10 chuyên tại TP.HCM được đánh giá là nghiêm túc, cạnh tranh khốc liệt và tuân thủ đúng quy chế tuyển sinh của Bộ và Sở. Mỗi trường chuyên đều công bố điểm chuẩn rõ ràng cho từng môn chuyên và từng nguyện vọng.

Sau khi có kết quả, thí sinh chỉ có thể chọn một trường chuyên duy nhất để nhập học. Nếu không trúng tuyển chuyên, học sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển vào các trường công lập theo ba nguyện vọng thường.

Với quy trình như vậy, thông tin rằng một học sinh “được gọi nhập học từ ba trường chuyên” và gia đình “nhẹ nhàng từ chối” tất cả là không phù hợp với thực tế.

Tự hào là điều chính đáng, nhưng cần đúng mực

Trong hành trình học tập đầy áp lực, việc một đứa trẻ thi đỗ vào trường chuyên, đặc biệt là những ngôi trường top đầu như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa hay Nguyễn Thượng Hiền, chắc chắn là niềm vui và niềm tự hào lớn lao đối với bất kỳ gia đình nào. Niềm vui đó xứng đáng được lan tỏa, được sẻ chia như một thành quả cho sự nỗ lực không chỉ của học sinh mà còn của cả gia đình trong suốt một chặng đường dài.

Không ai phủ nhận rằng cha mẹ có quyền tự hào về con cái. Nhưng tự hào không đồng nghĩa với việc “kể quá lên”, thậm chí là tạo dựng câu chuyện sai sự thật để nhận về sự ngưỡng mộ. Bởi khi sự khoe khoang vượt qua ranh giới của sự thật, nó không còn là niềm vui, mà trở thành phản cảm trong mắt cộng đồng.

Tự hào về thành tích của con là điều chính đáng nhưng không nên thêu dệt sai sự thật. Ảnh minh họa

Tự hào về thành tích của con là điều chính đáng nhưng không nên thêu dệt sai sự thật. Ảnh minh họa

Ở một góc nhìn khác, trong bối cảnh mạng xã hội là nơi mà ai cũng có thể trở thành người dẫn chuyện, mỗi bài viết về giáo dục dù là từ góc độ cá nhân cũng dễ dàng tác động đến tư duy, cảm xúc của hàng nghìn phụ huynh và học sinh. Đặc biệt là vào mùa tuyển sinh, khi tâm lý của nhiều gia đình đang căng như dây đàn, những câu chuyện "con tôi được ba trường chuyên gọi mời" không chỉ gây hiểu lầm mà còn vô tình tạo ra áp lực tâm lý cho những đứa trẻ khác – những em không đỗ chuyên, hay không nằm trong top học sinh xuất sắc.

Thực tế, không hiếm trường hợp phụ huynh vì muốn thể hiện con mình “giỏi vượt chuẩn” mà phóng đại câu chuyện. Nhưng sự phóng đại đó, dù vô tình hay hữu ý, đều ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của giáo dục: trung thực, khiêm tốn và nhân văn.

Trong môi trường giáo dục, sự trung thực không chỉ là giá trị cần dạy cho học sinh, mà chính người lớn, phụ huynh, giáo viên cũng cần là người nêu gương. Một bài viết sai lệch có thể lan truyền hàng chục nghìn lượt xem, nhưng không ai biết đằng sau đó, có bao nhiêu học sinh khác cảm thấy tự ti, hoài nghi về năng lực của chính mình.

Thêm vào đó, khi sự thật bị bóp méo, những nỗ lực thực sự, dù không hào nhoáng lại bị lu mờ. Nhiều học sinh học ngày học đêm, thi vào được một trường chuyên cũng đã là rất đáng trân trọng. Nhưng khi mạng xã hội đầy rẫy những câu chuyện kiểu “tôi từ chối cả ba trường chuyên”, thì sự nỗ lực ấy dễ bị xem thường, thậm chí khiến chính những em ấy cảm thấy… chưa đủ giỏi.

Vậy nên, sự tự hào chỉ thực sự có giá trị khi nó được đặt đúng chỗ, đúng ngữ cảnh, và quan trọng nhất: đúng sự thật. Chia sẻ niềm vui là điều nên làm, nhưng chia sẻ để nâng tầm bản thân bằng cách hạ thấp giá trị thực tế hoặc làm sai lệch thông tin đó không còn là niềm tự hào nữa, mà là sự phô trương lệch chuẩn.

Giữa thời đại của truyền thông số, mỗi dòng trạng thái không chỉ là chia sẻ cá nhân mà còn là một dạng ảnh hưởng xã hội. Khi người lớn lựa chọn nói thật, nói đúng và nói có trách nhiệm, họ không chỉ dạy con mình biết tự hào đúng cách, mà còn đang góp phần xây dựng một môi trường giáo dục minh bạch, công bằng và nhân văn hơn.

Vân Anh - CTV

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sao-hoc-duong/me-khoe-con-tu-choi-ca-3-truong-top-dau-tp-hcm-202507051757509982.html